Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Ông được dân gian truyền tụng và suy tôn là nhà tiên tri số 1 của Việt Nam. Người Trung Hoa thì coi ông là "An Nam lý số hữu Trình tuyền".
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử.
Ông được dân gian gọi là Trạng Trình.
Mãi đến năm 1535, đời Mạc Thái Tông, thời thịnh trị và vương đạo nhất của nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi và đỗ Trạng Nguyên năm 44 tuổi, được bổ nhiệm làm Đông Các Hiệu Thư (chuyên việc soạn thảo, chỉnh sửa chữa các văn thư của triều đình), sau đó giữ nhiều chức vụ như Tả Thị Lang bộ Hình, Tả Thị Lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Được phong tước Trình Tuyền Hầu, sau đó thăng lên Trình Quốc Công nên dân gian gọi ông là Trạng Trình.
Theo dân gian, đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vào tận Thanh Hóa để bái sư. Lương Đắc Bằng từng là một đại thần giữ chức Thượng Thư dưới triều Lê, nhưng sau khi đưa ra những kế sách nhằm ổn định triều chính không được vua Lê cho thi hành, ông từ quan về quê dạy học. Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn thông minh lại chăm chỉ học hành nên chẳng bao lâu đã trở thành đồ đệ tâm đắc của Lương Đắc Bằng. Trước khi qua đời, Lương Đắc Bằng trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học là "Thái Ất Thần Kinh", đồng thời ủy thác con trai cho Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy dỗ. Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra đến 500 năm sau, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam.
Làm quan được 8 năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần không được vua nghe cụ xin cáo quan năm 1542 về ở ẩn lập Am gọi Bạch Vân Am và hiệu Bạch Vân Cư Sĩ. Ông mở trường dạy học cạnh sông Hàn giang còn có tên Tuyết giang, nên học trò gọi ông "Tuyết giang Phu tử".
Ông để lại cho hậu thế 487 câu sấm ký cách đây đã trên 500 năm. Kỳ lạ là không ít sự kiện lịch sử Việt Nam và thế giới đã xảy ra trong suốt 500 năm qua có không ít điều "ứng” vào các câu ghi trong “Sấm Trạng Trình". Trong Sấm Ký, Trạng ghi rõ về những biến thiên trong lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng cho đến hôm nay. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được xem là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam thông qua câu Sấm "Việt Nam khởi tổ gầy nên". Tên nước lúc ông tiên tri là Đại Việt, 300 năm sau đổi thành Nam Việt và sau đó trở thành Việt Nam như hiện nay.
Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt về chủ quyền của đất nước trên biển Đông ngay từ thế kỷ 16. Ngoài câu sấm ký "Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân", thì với Biển Đông, cụ Trạng cũng có lời tiên tri rằng: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình". Những lời sấm truyền này được ghi rõ trong Bạch Vân Am Thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm với bài thơ Cự Ngao Đới Sơn. Với con mắt chiến lược, nhìn thấy đại cục thiên hạ ngàn năm, Trạng Trình đã khuyên thế hệ sau phải nắm giữ được Biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình/ Chí những phù nguy xin gắng sức/ Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình".
Ông được suy tôn là Thanh Sơn Đạo sĩ (còn được gọi là Thanh Sơn Chơn nhơn), là một trong ba vị thánh linh thiêng của Đạo Cao Đài. Bức tranh Tam Thánh ký hòa ước được lưu thờ tại Tòa Thánh Tây Ninh có vẽ chân dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm bên cạnh Victor Hugo và Tôn Trung Sơn.
THEO DANVIET