Tổng đốc Nguyễn Tri Phương thăng quan tiến chức nhờ... được xem tướng?

Nguyễn Tri Phương sinh năm Canh Thân (1800) tại làng Chi Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, mất năm Quý Dậu (1873), thọ 73 tuổi. Ông bước vào hoan lộ và được quan trên chú ý bởi câu chuyện tướng số khá ngộ nghĩnh và được lưu truyền đến ngày nay. Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” có đoạn chép về sự việc này như sau:

Một hôm, Nguyễn Tri Phương đến yết kiến viên đại thần là Nguyễn Đăng Tuân. Nguyễn Đăng Tuân thấy Nguyễn Tri Phương diện mạo có vẻ lạ, bèn sai cởi áo ra để coi tướng. Xem xong một lúc ông nói:

- Ta coi tướng cho người trong thiên hạ cũng đã nhiều, nhưng chưa ai có tướng tốt như ngươi và con trai ta là Nguyễn Đăng Giai, mà so kỹ thì tướng của ngươi còn tốt hơn tướng của con ta một bậc.
Tổng đốc Nguyễn Tri Phương thăng quan tiến chức nhờ... được xem tướng? - Ảnh 1.

Tranh vẽ Tổng đốc Nguyễn Tri Phương.

Từ sau cuộc kỳ ngộ với Nguyễn Đăng Tuân, nhờ may mắn lại cũng có tài nên Nguyễn Tri Phương đã tiến rất nhanh trên bậc thang danh vọng. Ông là một trong những nhân vật nổi tiếng bậc nhất của triều đình nhà Nguyễn dưới thời trị vì của vua Tự Đức (1848-1883). Tuy nhiên, việc thăng giáng và vinh nhục là sự thường của các vị quan xưa và Nguyễn Tri Phương cũng vậy. Ông từng nhiều lần bị khiển trách, bị quở phạt và bị cách chức, trong đó có lần bị nhà vua nghiêm phê. Cũng trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” có đoạn chép lại sự việc này như sau:

Năm Minh Mạng thứ mười tám, tức năm 1837, ông được thăng làm Tham tri, sung chức Cơ mật viện đại thần cùng với Lê Bá Tú. Với chức quan này, ông được vào Nội các để xem xét các việc. Vì có việc xem xét không kỹ nên ông bị khiển trách. Vua sai quan Thượng thư là Hà Duy Phiên đem thuộc viên tới tra xét lại, bấy giờ mới biết việc một số quan đem vải mua của Tây (mua của các lái buôn phương Tây) ra bán đấu giá. Hà Duy Phiên nói:

- Vải ấy là do trước đây triều đình phái Nguyễn Tri Phương đi mua, nay phần nhiều đã có vết ố bẩn, nếu đem ra bán đấu giá thì e có sự không hay.

Nguyễn Tri Phương nghe vậy thì quát lên rằng:

- Đó là việc của bọn thủ kho, sao ông khắt khe thế? Sống chết và họa phúc là việc do vua quyết, ông nói thế chẳng qua muốn gây hiềm khích, gây oán thù cho sau này mà thôi.

Hà Duy Phiên đem việc này tâu lên nhà vua để hặc tội ông. Nghe xong, nhà vua cho rằng Nguyễn Tri Phương là quan nhỏ mà nói năng càn quấy, bèn giao cho Bộ Hình nghị tội. Vua lại hỏi Nguyễn Tri Phương ngay trước mặt các quan đại thần trong triều rằng:

- Ngươi tự nghĩ xem ngươi đáng tội gì?

Ngay lúc đó, Nguyễn Tri Phương phục xuống đất kêu khóc, xin chịu tội chết. Triều đình nghị án dâng lên và khép Nguyễn Tri Phương vào tội mắng quan trên nên cũng buộc ông vào tội chết. Vua cho là Nguyễn Tri Phương cũng có công trong nhiều lần sai phái khó nhọc, bèn gia ân, chỉ giáng làm Thư ký ở Nội các. Mãi đến mùa Đông năm ấy, tức năm 1837, ông mới được phục chức rồi được nhà vua giao cho làm Chủ sự và sung chức Lang trung, giúp việc ở phòng giữ ấn của Nội các.

THEO DANVIET