Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản không tử trận
Hầu hết người Việt đều biết đến người anh hùng Trần Quốc Toản qua câu chuyện bóp nát quả cam khi không được dự hội nghị Bình Than vì còn quá nhỏ tuổi. Sau sự việc này Trần Quốc Toản trở về nhà tập hợp gia nô được hơn 1.000 người, thành lập một đội quân chống lại quân Nguyên.
Đội quân của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản nổi tiếng với lá cờ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch – Báo hoàng ân” nghĩa là “Phá giặc mạnh – Báo ơn vua”.
Theo ghi chép của các tài liệu lịch sử thì Hoài Văn Hầu tử trận trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 năm 1285.
(Ảnh bìa sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của NXB Kim Đồng).
Tuy nhiên thực tế Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản không hề tử trận. Về việc ghi chép rằng Hoài Văn Hầu mất trong trận đánh ở sông Như Nguyệt, có một phần nhiều là đến từ sách sử nhà Nguyên.
Nguyên Sử phần An Nam truyện có ghi chép rằng: “Quan quân (chỉ quân Nguyên) rút đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên (tức vua Thánh tông) sai Hoài Văn Hầu đến đánh”. “Kinh thế đại điển tư lục” ghi chép tiếp rằng: “Thoát Hoan chạy đến sông Như nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đuổi theo. Giết được Hoài Văn Hầu”.
Thực tế cuốn “Kinh thế đại điển tư lục” có sự nhầm lẫn, người tử trận là Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện chứ không phải Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Cuốn sách này đã nhầm lẫn giữa hai người, nên thay vì Hoài Nhân Vương, thì lại nhầm thành Hoài Văn Hầu.
Theo nhiều gia phả của nhà Trần ghi chép thì trận “Như Nguyệt” chỉ có Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiệt tử trận, còn Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản sau được phong Hoài Văn Vương và sống thọ đến tận 92 tuổi.
Các sách sử sau này đều căn cứ theo cuốn “Kinh thế đại điển tư lục” nên cũng đều bị nhầm theo, chi tiết về cái chết cũng rất sơ sài.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi rất ngắn gọn: “Đến khi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản mất, vua rất thương tiếc, đích thân viết văn tế và gia phong tước Vương”.
Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện bị tử trận như thế nào?
Trần Quốc Kiện và Trần Quốc Toản đều là bậc thiếu niên thuộc dòng dõi hoàng thân quốc thích nhà Trần, tuổi cũng trạc nhau. Khi hội nghị Bình Than diễn ra, cả hai đã cùng đến xin được vào dự, nhưng đều bị từ chối do còn nhỏ tuổi.
Do cả hai người trạc tuổi nên khá thân thiết với nhau, trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, cả hai người lại cùng sát cánh chống lại quân giặc.
Gia phả của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc có ghi chép về cái chết của Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện. Chính Trần Ích Tắc viết rằng: “Trận Như Nguyệt, ngày 6/5, niên hiệu Chí nguyên thứ 22, Quốc Kiện đuổi theo chú, buông lời vô lễ. Giết Quốc Kiện.”
“Chú” ở đây chính là Trần Ích Tắc. Trong gia phả của mình, chính tay Trần Ích Tắc cầm bút viết rõ mình đã giết Quốc Kiện. Có thể lúc đó Trần Quốc Kiện cho quân đuổi tới, nhìn thấy Ích Tắc đã đầu hàng quân Nguyên Mông nên có lời qua tiếng lại với chú của mình, Ích Tắc tức giận nên đã giết chết Quốc Kiện.
Các gia phả đều chép ngày giỗ Hoài Nhân Vương Quốc Kiện là 6 tháng 5. Ngày giỗ của Hoài Văn Vương Quốc Toản là 18 tháng 9. Ngày 6 tháng 5 cũng chính là ngày xảy ra trận đánh Như Nguyệt. Vậy thì người đã tử trận là Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện chứ không phải Hoài Văn Vương Trần Quốc Toản.
Chiến công oai hùng của Trần Quốc Toản
Các gia phả của Hưng Nhượng Vương, Hưng Vũ Vương, gia phả của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đều chép Trần Quốc Toản giết Toa Đô, bắt Ô Mã Nhi, đều là những chiến công oai hùng lúc đó.
Những chiến công này đều diễn ra sau trận đánh Như Nguyệt. Nếu Trần Quốc Toản thật sự tử trận vào ngày 6/5 thì làm sao có được những chiến công oai hùng như thế sau đó.
(Ảnh bìa sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của NXB Kim Đồng).
Đặc biệt, Trần Quốc Toản khi mới 19 tuổi đã đánh bại và giết được danh tướng thiện chiến bậc nhất của quân Nguyên là Toa Đô tại cửa Hàm Tử. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 3 năm 1288, tại trận Bạch Đằng, cũng chính Quốc Toản đã đánh danh tướng thiện chiến khác là Ô Mã Nhi rớt xuống sông, sau đó Đỗ Hành dùng câu liêm móc lên bắt sống Ô Mã Nhi.
Gia phả của dòng Hưng Vũ Vương, Hưng Hiếu Vương, Nhượng Vương, Hưng Trí Vương, Hoài Văn Vương đều có bài thơ ghi rõ những chiến công của Trần Quốc Toản như sau:
Tam tổ thị Hoài Văn,
Trí dũng thực vô biên.
Niên thiếu cam thống khổ,
Lao tù tại Trường Yên.
Ngự tứ Trấn Bắc kiếm,
Cửu độ phá ác Nguyên.
Truy Thoát Hoan Như Nguyệt,
Hàm tử trảm Toa Đô,
Bạch Đằng cầm Ô Mã,
Di dức vạn vạn niên.
Tạm dịch:
Tổ thứ ba là Hoài Văn Vương,
Trí dũng thực vô cùng.
Thời niên thiếu thống khổ,
Lao tù tại Trường Yên.
Được ban kiếm Trấn Bắc,
Chín trận phá giặc Nguyên.
Đuổi Thoát Hoan Như Nguyệt,
Hàm tử giết Toa Đô,
Bạch Đằng bắt Ô Mã,
Để đức lại vạn năm.
Bài thơ trên ghi rõ Trần Quốc Toản có “chín trận phá giặc Nguyên”, 9 trận này được nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ ghi chép lại từ gia phả họ Trần như sau:
1. Trận Đâu Đỉnh chặn đạo quân Nguyên dùng thượng đạo đánh úp Chi lăng. Quân Nguyên do Lý Hằng, Ô Mã Nhi chỉ huy (Cùng Hoài Nhân Vương).
2. Trận đánh chặn không cho Mông Cổ chiếm Thăng Long, để quân dân trong thành Thăng Long kịp thời di tản (cùng Hoài Nhân Vương).
3. Trận cùng Chiêu Minh Vương cứu viện Chiêu Văn Vương ở Thanh Hóa.
4. Trận tái chiếm Trường Yên.
5. Trận Tây Kết oai hùng (cùng Hoài Nhân Vương).
6. Trận tái chiếm Thăng Long trong lần chống quân Nguyên thứ 2 (cùng các tướng khác).
7. Trận đánh bại và truy đuổi Thoát Hoan ở Như nguyệt (cùng Hưng Đạo Vương, Hưng Ninh Vương, Hoài Nhân Vương).
8. Trận Hàm Tử, giết Toa Đô.
9. Trận Bạch Đằng bắt Ô Mã Nhi.
Nhưng riêng trong gia phả của Hưng Vũ Vương (con trai trưởng của Hưng Đạo Vương) còn bổ sung thêm 4 chiến công nữa là thành 13 (thập tam):
10. Trợ giúp Chiêm Thành bắt gian vương Chiêm.
11. Đánh trận Hỏa giáp, phá đạo quân Sài Thung, bắt sống được Trần Di Ái (người đầu hàng quân Nguyên).
12. Cùng với Vũ Uy Vương đánh chặn Thoát Hoan ở phía Bắc.
13. Chiếm lại thành Thăng Long trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 3.
Vì vậy mới có câu :
Hoài Văn thập tam chiến,
Uy vũ chấn Trung Nguyên.
THEO DANVIET