Trạng nguyên khai khoa của Đại Việt đòi đất từ nhà Tống Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN.

Bối cảnh: Đại Việt đại thắng, quân Tống rút về
Khi vua Lý Thánh Tông mất, vua Lý Nhân Tông lên nối ngôi nhưng còn nhỏ. Lý Thường Kiệt và Lý  Đạo Thành trở thành trụ cột chèo chống cho Giang Sơn Xã Tắc 

Lúc này Khu Mật Viện báo tin quân Tống lợi dụng tình cảnh Đại Việt mới mất Vua đang chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, quân lương tập trung ở Ung Châu. Lý Thường Kiệt quyết định chủ động đưa quân tiến đánh Ung Châu trước nhằm phá quân lương cùng trang thiết bị quân sự của nhà Tống.

Năm 1075 Lý Thường Kiệt chỉ huy quân Triều đình cùng quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số tấn công sang đất Tống đến thành Ung Châu. Tiến đánh Ung Châu được xem là một trong những chiến công hiển hách nhất trong sử Việt, là nghệ thuật lấy tấn công trước để phòng thủ.

Sau trận Ung Châu, nhà Tống mất mặt đến nỗi phải nhượng bộ Tây Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho nước Liêu ở phía Bắc, nhằm huy động các cánh quân tinh nhuệ xuống phía Nam tiến đánh Đại Việt để phục thù.

Đầu năm 1077, tướng Tống là Quách Qùy chỉ huy 30 vạn quân (10 vạn quân chủ lực và 20 vạn phu phen) tiến đánh Đại Việt. Trước thế giặc mạnh tại nơi biên giới, một số tù trưởng bị bắt và bị buộc phải đồng ý nhượng cho quân Tống một phần đất ở biên giới.

Khi quân Tống đến sông Như Nguyệt thì bị chặn lại. Lý Thường Kiệt đợi cho quân Tống hao tổn và xuống sức mới tìm ra điểm yếu, rồi cho quân vượt sông tiến đánh. Quân Tống thua to, phải ký nghị hòa rút quân về nước.

Theo bản nghị hòa thì quân Tống phải rút ngay về nước, trả lại toàn bộ đất đai đã chiếm được cho Đại Việt. Quân Tống rút đến đâu, quân Đại Việt theo lấy lại các vùng đất của mình đến đấy.

Thua trận nhưng quân Tống vẫn chiếm giữ một phần vùng đất của Đại Việt
Đến Cao Bằng, quân Tống không rút nữa mà chiếm luôn 6 Huyện và 3 Động. Lý do nhà Tống đưa ra là các vùng đất này đã được các Tù trưởng trước đó đầu hàng và nhượng lại cho nhà Tống rồi.

Nhà Tống cũng xem việc lấy các vùng đất này là để bù lại cho phần đất và quyền lợi đã phải nhượng lại cho Tây Hạ và Liêu quốc.

Dù nhà Lý đã nỗ lực đòi lại vùng đất 6 Huyện và 3 Động trên nhưng nhà Tống nhất định không trả. Lúc này nếu muốn lấy lại các vùng đất trên chỉ còn hai cách: dùng vũ lực tấn công hoặc tiếp tục kiên trì dùng ngoại giao để đòi lại.

Lý Thường Kiệt nhận định nếu dùng vũ lực thì có thể lấy lại được, nhưng sẽ bị hao tổn nhân mạng quân sĩ. Đồng thời nhà Tống không phục sẽ lại cho quân tiến sang đánh để đòi lại dẫn đến chiến tranh liên miên. Vì thế ông quyết định tiếp tục kiên trì dùng ngoại giao để đòi lại.

Vậy ai là người có khả năng lãnh trọng trách này?

Trạng nguyên khai khoa và công trạng đòi lại vùng đất bị mất
Thời vua Lý Nhân Tông trị vì, với sự giúp đỡ của Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Đại Việt trở nên cường thịnh phát triển về mọi mặt, đây là một trong những giai đoạn hoàng kim nhất trong sử Việt. Năm 1075 đánh dấu sự kiện lịch sử, khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài cho đất nước được tổ chức, và Trạng nguyên đầu tiên (Trạng nguyên khai khoa) là Lê Văn Thịnh.


Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong đền thờ tại quê nhà Bắc Ninh. (Bài vị phía sau ghi là Lê Thái sư Đại vương). (Ảnh: Viethavvh, Wikipedia, Public Domain)
Vì thế khi Triều đình cần người tài ngoại giao để lấy lại vùng đất bị mất thì người được tin tưởng nhất chính là Lê Văn Thịnh.

Năm 1084, Lê Văn Thịnh dẫn đầu đoàn sứ bộ đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để đòi lại các vùng đất bị mất.

Lê Văn Thịnh vốn là người có tài đối đáp, sau thời gian dài dùng dằng, phía nhà Tống đuối lý mà nói rằng:

Những đất mà quân ta chiếm thì đáng trả cho Giao Chỉ. Còn những đất mà các người coi giữ mang nộp để theo ta thì khó mà giả lại.

Ngụ ý của nhà Tống là những vùng đất nhà Tống chiếm được đã trả hết rồi, chỉ còn vùng đất mà “người coi giữ mang nộp” (ý nói các tù trưởng trước đây bị thua trận đã dâng các vùng đất này cho quân Tông) thì không trả lại.

Lê Văn Thịnh đáp rằng:

Đất thì có chủ. Các viên quan coi giữ mang nộp mà trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ.

Việc chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không thể tha thứ, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất trộm dâng để làm nhơ bẩn sách sổ nhà Vua (chỉ vua Tống)!

Sau cùng phía Tống đành trả lại vùng đất 6 huyện và 3 động lại cho Đại Việt. Với công trạng này, năm 1085, trạng nguyên Lê Văn Thịnh được phong làm Thái sư, tức quan đầu triều.

Tiếp sau Lê Văn Thịnh, các vị trạng nguyên các đời khác nhau đều góp công rất lớn cho sự vững mạnh của Giang Sơn Xã Tắc.

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự  cho phép của Trí Thức VN.

TRẦN HƯNG