Vị Tân khoa trẻ tuổi
Nguyễn Hiền quê ở Dương A, huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường sau đổi là trấn Sơn Nam Hạ (nay huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Thuở nhỏ, ông học thông viết thạo, được mọi người quý mến. Tương truyền, khi lên 10 tuổi, gia đình cho ông đi học thầy chùa. Thầy chùa mới viết được 10 trang giấy, Hiền liền đọc được ngay như người đã từng đi học rồi.
Năm 11 tuổi, tiếng tăm Hiền đã lừng lẫy ở kinh đô và được mệnh danh là thần đồng. Bấy giờ có người họ Đặng tự thấy mình đã đọc hết các sách, nghe tiếng tăm Hiền muốn đến thử tài văn bút, liền tìm đến nhà Hiền và lấy đầu đề theo bài phú "Phượng hoàng sào a, kì lân du úc". Khách ra hạn số câu và mỗi câu đều có tiếng chỉ về một loài cầm thú.
Hiền ứng khầu đáp ngay rằng: "Phi long kiên chiểu/Mã bất xuất hà /Ý bỉ Hữu Hùng chi thế/ Ấp vu Duyên Lộc chi a". Nghĩa là: "Rồng không bay lên nơi ao, hồ/Ngựa không từ sông phi ra/ Đẹp thay đời có họ Hữu Hùng/Làm nhà ở nơi Duyên Lộc."
Người họ Đặng hết sức thán phục và tấm tắc khen "Thiên tài! Thiên tài!". Năm ấy, Hiền thi hương đỗ đầu (Giải nguyên). Vào năm Thiên ứng Chính Bình thứ 16 (âm lịch năm Tân Mùi), vua Trần Thái Tông trọng dụng hiền tài, chiêu đãi kẻ sĩ. Vua cho mở khoa thi lớn. Nguyễn Hiền mới mười ba tuổi về kinh ứng thí và lập tức được lấy đỗ trạng nguyên. Khóa thi này, ngoài Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên còn có 2 người khác đỗ cao và cũng cùng có một điểm chung. Đó là họ đều còn rất trẻ tuổi.
Đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền tại Nam Định. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Người đỗ thứ hai chính là Lê Văn Hưu, Bảng Nhãn 18 tuổi và Đặng Ma La, Thám Hoa 14 tuổi. Chúng ta ít gặp nhiều tài liệu viết về Thám Hoa Đặng Ma La nhưng tên tuổi của vị danh y lỗi lạc Lê Văn Hưu được rất nhiều sử sách ghi lại. Sau này, Lê Văn Hưu có thời gian ra làm quan nhưng chủ yếu thời gian ông dành cho nghề thuốc.
Về Trạng nguyên Nguyễn Hiền, tuy còn nhỏ tuổi song phong thái tự nhiên, đĩnh đạc, đối ứng trôi chảy. Rất ngạc nhiên, Vua Trần Thái Tông mới tò mò hỏi vị Tân khoa: "Trạng nguyên học ở đâu?". Trạng Hiền quỳ tâu: "Thần xin tâu bệ hạ, thần chỉ học thần...và thỉnh thoảng có hỏi sư ông ở chùa làng thêm đôi ba chữ.
Vua thấy Trạng Hiền nói năng quê kịch mà còn có vẻ kiêu căng không được vừa lòng nên truyền phán buộc Trạng trở về học lễ nghĩa thêm. Trạng Hiền vì thế chưa được ban áo mão. Trạng Hiền về quê, ngày ngày đọc sách nhưng vẫn ham chơi bời, thường lúc rỗi rãi vẫn cùng trẻ con cùng lứa chơi khăng, thả diều.
Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chép lại sự kiện này. "Năm Chính Bình thứ 16, Vua Trần Thái Tông ngự ở sân đình, gặp các vị tân khoa đỗ cao trong kỳ thi. Thấy Hiền tuy còn nhỏ tuổi, chưa rõ phép tắc lễ nghĩa nên chưa ban mũ áo, chỉ cho người hộ tống về quê để học thêm phép tắc".
Câu chuyện tiếp sứ Tàu
Một lần, sứ nhà Nguyên sang nước ta. Nghĩ rằng Đại Việt không có người tài, lại tỏ ra mình hiểu biết hơn người nên không coi ai ra gì. Y đưa ra một con ốc xoắn nhờ xâu qua ruột nó một sợi chỉ mảnh. Viên sứ nghênh ngang cho biết: "Được như vậy, ta mới chịu vào thành".
Biết rõ viên sứ muốn thử tài quân dân Đại Việt, Vua Trần Thái Tông bèn truyền cho các quan tìm cách xâu thử nhưng vị nào cũng loay hoay và đành lè lưỡi, lắc đầu. Chợt có người mách Vua hỏi thử Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Vua sực nhớ bèn lập tức cử người đi hỏi Trạng.
Viên quan được giao việc về xã Dương A gặp ngay một là trẻ chăn trâu nghịch đất đầu làng. Thấy trong đó có một cậu bé mặt mũi khôi ngô đang bày cho lũ bạn đắp một con voi bằng đất mà tứ chi lẫn tai, vòi... có thể ngoe nguẩy cử động được, sứ giả đồ chừng đó là Trạng Hiền bèn buông một vế đối thăm dò xem đúng có phải là Trạng Nguyên không. Thực ra, vị quan này nghe danh tiếng của Trạng nguyên Nguyễn Hiền đã lâu nhưng chưa gặp mặt, ông mượn dịp này để mắt thấy tai nghe.
Truyện tranh giai thoại về Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Vị quan ra vế đối: "Tự là chữ, cất giằng đầu, tử là con, con ai con ấy?". Cậu bé nghe được, không ngước mặt lên, cũng thủng thẳng buông một câu: "Vu là chưng, bò ngang lưng, đinh là đứa, đứa nào đứa này".
Về câu đối của viên quan nọ, chủ ý của ông này xuất một vế đối theo lối chiết tự chữ Hán. Chữ tự có hai bộ phận trên như cái giằng xay, dưới là chữ tử. Để nguyên tự có nghĩa là chữ, bỏ giằng trên còn lại chữ tử nghĩa là con và gắn luôn với vế nôm tiếp đó thành một câu hỏi nửa chữ nửa nôm. Câu hỏi cũng có sắc thái của người trên hỏi kẻ dưới.
Thấy đối phương ra vế đối như vậy, Trạng Hiền cũng đối lại bằng cách chiết tự kết hợp với một phần nôm, chữ vu là chưng có hai nét ngang và một nét móc, bỏ nét ngang ở dưới thành chữ đinh nghĩa là đứa, đi với với nào đứa này là một vế đối ý rất chỉnh và có phần xấc xược. Nhận câu đối lại, viên quan không hề tỏ ra giận dữ mà trái lại, rất vui mừng vì đích thực đây chính là Trạng Nguyên Nguyễn Hiền.
Ông ta bèn xuống ngựa truyền lại ý vua vời Trạng về kinh. Nhưng Trạng Hiền không chịu, viện lẽ rằng, trước vua cho trạng kém lễ buộc về, nhưng lần này vua cho vời Trạng lên lại cũng không giữ đúng lễ. Viên quan không biết làm thế nào, phải trần tình đầu đuôi chuyện sứ giả nước ngoài đưa câu đố mà chưa ai giải được. Trạng Hiền nghe biết chỉ cười, trở lại với đám trẻ chăn trâu. Chờ cho viên quan lên ngựa đi một đoạn, ông mới xui đám trẻ cùng hát:
Tích tịch tang, tích lịch tang!/ Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng/ Bên thì lấy giấy mà bưng/ Bên thì bôi mỡ kiến mừng kiến sang/ Tích tịch tang, tích lịch tang!
Viên quan nghe nhẩm thuộc lời ấy, biết Trạng đã chỉ cách giải đó, vui vẻ ra về. Ngay sau khi đối đáp được sứ thần Trung Hoa, Vua Trần Thái Tông ra lệnh cho quân lính mong mũ mão Trạng Nguyên về tận quê của Nguyễn Hiền mời ông ra giúp nước.
Về đến triều đình, sứ thần nhà Nguyên Đô Sử vẫn còn ở lại đây. Thấy vị Trạng Nguyên Đại Việt còn ít tuổi, tỏ rõ sự coi thường. Hắn ta ra vế đố: "Lưỡng Nhật bình đầu Nhật/ Tứ Sơn điên đảo Sơn/ Nhị vương tranh nhất quốc/ Tứ khẩu tung hoành gian."
Hiền đứng mà trả lời ngay rằng: "Đó là chữ điền vậy". Sứ Bắc thán phục, Hiền liền được vua trao cho chức Công bộ Thượng thư. Và ít lâu sau triều đình phương Bắc lại gửi thông điệp với 2 chữ "Thanh thủy". Vua chưa hiểu thông điệp muốn nói gì. Hiền giải thích ngay rằng: "Tháng 12 xuất quân". Thời bấy giờ Bắc triều muốn cầu viện biên giới, lợi dụng các hào trưởng địa phương để dễ bề đối phó Vua tôi nhà Trần. Nghe vậy, Vua Trần Thái Tông bèn cử binh hùng tướng giỏi dẹp bè lũ tay sai. Vào tháng 12, giặc Nguyên lui vì kế hoạch không thành.
Những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay để phò vua giúp nước. Năm Ất Hợi, nước ta lại bị giặc Chiêm Thành xâm lược, nhà vua rất lo bèn giao cho trạng nguyên Nguyễn Hiền đánh giặc giữ nước.
Chỉ ít lâu sau, quân giặc thất bại, Trạng Hiền thu quân về Vũ Minh Sơn mở tiệc khao quân và tâu lên vua. Nhà vua vô cùng vui mừng và phong cho ông Trạng chức "Đệ nhất hiển quý quan". Về nông nghiệp, ông cho đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất mùa màng thắng lợi. Về quân sự, ông cho mở mang võ đường để rèn quân luyện sĩ.
Ngày 14/8 năm Bính Tý, Trạng nguyên Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời, thọ 21 tuổi. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là "Đại vương thành hoàng" và tôn làm thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lại Đà ở xã Đông Hội - huyện Đông Anh, Hà Nội.
Hiện nay, tại đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông, thôn Dương A (Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định) còn giữ được nhiều bài vị, sắc phong, câu đối, đại tự, đặc biệt bảo tồn được cuốn Ngọc phả nói về sự nghiệp của ông, trong đó có câu ca ngợi tài năng của Nguyễn Hiền như sau:
"Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc, Vạn niên thiên tuế lập tam tài". Tạm dịch là: "Mười hai tuổi khai khoa hai nước, Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài". Yêu mến và cảm phục tài năng của ông, huyện Thượng Hiền đổi tên thành huyện Thượng Nguyên để tránh phạm húy tên ông.
Ngọc Trìu (Theo Pháp luật Việt Nam)