Trịnh Tuệ - Trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam

Sau khoa thi năm 1736, có tới gần 20 kỳ thi Đại khoa dưới triều Lê trung hưng, song không có ai đỗ Trạng nguyên. Đến triều Nguyễn, các kỳ thi Đại khoa tiếp tục được tiến hành nhưng không lấy được Trạng nguyên vì văn chương phải toàn bích “mười phân vẹn mười”. Bởi vậy, Trịnh Tuệ được xem là vị Trạng nguyên cuối cùng của lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam.

 

trang-nguyen-cuoi-cung-5(1).jpg

Dính nghi án được ưu ái thi cử, Trịnh Tuệ đã thể hiện khả năng hiểu biết của mình cách xứng đang (minh hoạ IT).

Thần đồng xứ Thanh

Trịnh Tuệ (1704 - ?) quê ở Biện Thượng, nay là xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa), nhưng trú quán tại xã Bất Quần, tức xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương. Tên khai sinh của ông là Trịnh Huệ (sau đổi thành Trịnh Tuệ vì tên trùng với vợ Trịnh Sâm là Tuyên phi Trịnh Đặng Thị Huệ).

Theo các nguồn sử liệu, Trịnh Tuệ là dòng dõi chúa Trịnh, song gia cảnh gia đình rất nghèo, đến đời bố ông đã chuyển nơi sinh sống về vùng đất của huyện Quảng Xương để lập nghiệp. Ban đầu gia đình ông ở bãi Cồn Thần, nay là phần đất của hai trường THCS Nguyễn Du và trường THPT Quảng Xương I.

Sau vì điều kiện sinh sống càng khó khăn hơn nên gia đình tiếp tục chuyển về làng Ngọc Am, xã Bất Quần để sinh sống. Tại vùng đất này, ông cụ đã kết duyên với một thôn nữ đẹp người, đẹp nết và sinh ra Trịnh Tuệ.

Theo “Kim Giám thực lục” (1802) và “Kim Giám tục biên” (1869), thì Trịnh Tuệ là cháu 5 đời của chúa Trịnh Tùng, thuộc dòng của Thuần Nghĩa công Trịnh Dương. Gia đình ông đều có những người đỗ đạt. Anh ruột là Trịnh Côn và các con là Trịnh Đức, Trịnh Sa đều đỗ hương cống và làm quan dưới triều Lê - Trịnh.

Tương truyền, từ nhỏ Trịnh Tuệ đã là thần đồng nổi tiếng thông minh khắp xứ Thanh. Lớn lên ông dốc sức học tập dùi mài kinh sử mong chiếm được bảng vàng. Dân gian truyền nhau rằng, Trịnh Tuệ có tài liếc mắt qua một lượt đã thuộc ngay mười hàng chữ, hàng chục năm sau vẫn có thể đọc lại vanh vách.

trang-nguyen-cuoi-cung-1.jpgTên và quê quán của Trạng nguyên Trịnh Tuệ được khắc trên bia Tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1736).

Vào năm Bảo Thái thứ tư đời vua Lê Dụ Tông (1723), Trịnh Tuệ thi Hương đỗ Tứ trường, được chúa Trịnh Giang mời vào phủ Tôn Nhân bổ nhiệm chức Phó Tri hình phiên.

Đến khoa Bính Thìn (1736), ông đỗ đầu thi Hội. Vào thi Đình ông đỗ luôn Trạng nguyên. Trên Bia Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hữu năm thứ 2 (1736) ở Văn Miếu - Hà Nội, trong đó ghi rõ: Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh: Trịnh Huệ, làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, trú quán xã Bất Quần, huyện Quảng Xương... Ra lệnh khắc tên vào đá để truyền mãi mai sau.

Thông tuệ xứng Trạng nguyên

Sau đó, Trịnh Tuệ nhanh chóng được phong Đông các đại học sĩ, rồi lên tới chức Tham tụng Thượng thư bộ Hình (tước Quận Công). Vài năm sau lại được thăng chức Tham tụng - một chức quan ngang tể tướng trong triều.

Trịnh Huệ nổi tiếng là người thông minh, đỗ đạt cao và được trọng dụng là điều tất yếu. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, việc gian lận trong thi cử ngày càng trầm trọng đến mức triều đình phải tổ chức thi lại cuộc thi Hương năm 1726. Nhiều người chạy theo hư danh, lấy tiền để mua quan bán chức. Từ năm 1730, trong các kỳ thi Hương ai nộp ba quan tiền thì miễn khảo hạch coi như đỗ sinh đồ (tú tài). Khoa cử mất đi kỷ cương, thế nên nhân tài cũng dần vắng bóng.

Cũng chính vì đường quan lộ của Trịnh Tuệ thăng tiến nhanh, ông lại là con cháu chúa Trịnh. Thế nên, có nhiều dị nghị đố kỵ khi cho rằng ông được thiên vị nên mới đỗ Trạng nguyên.

Trước đó, trong khoa thi Hội mà Trịnh Tuệ dự thi do một người họ Trịnh là Trịnh Diễm làm chủ khảo, đến khi thi Đình lại xảy ra một sự thay đổi khác so với những khoa thi trước. Đó là việc các thí sinh thay vì vào sân rồng để vua Lê vấn thi thì lại vào sân chúa để chúa Trịnh Giang hỏi thi.

Theo sử sách ghi chép, thì việc đổi thay nói trên là do Hoàng Công Phụ - viên quan trong triều đình được chúa yêu, lại chơi thân với ông Trịnh Tuệ, bày đặt ra. Do đó dư luận dị nghị cho rằng Trịnh Huệ không có tài mà là do có dòng dõi nhà chúa nên mới được lấy đỗ Trạng.

trang-nguyen-cuoi-cung-2(1).jpg

Di tích núi Voi – nơi có đền thờ Trạng nguyên Trịnh Tuệ.