Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, Nguyễn Quý Tân xuất thân trong một gia đình thuộc dòng dõi Nho gia ở làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay. Nguyễn Quý Tân có hiệu là Đỉnh Trai, biệt hiệu là Tản tiên đình cư sĩ. Ông sinh năm 1811 và mất năm 1856. Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng “thần đồng” và là người có văn tài, ứng đối thông minh. Khi mới bảy tuổi, Nguyễn Quý Tân đã làm thơ, nhưng ương bướng nhất định không cho cha chữa thơ của mình. Lúc 22 tuổi, ông đỗ cử nhân, 29 tuổi đỗ tiến sĩ. Từ đó người dân trong vùng thường gọi ông là Nghè Tân.
Tranh minh họa ông Nghè Nguyễn Quý Tân.
Ông Nghè Nguyễn Quý Tân cũng là một “hào kiệt” thuộc hàng ngang tàng, ngất ngưởng, thích sống với bầu rượu túi thơ, không ưa chốn quan trường bó buộc. Ông thi đỗ rồi ra làm quan và được giao giữ chức tri huyện. Thế nhưng chưa được bao lâu thì ông xin từ chức để đi ngao du sơn thủy. Ông thường làm thơ văn châm biếm, chế diễu đám quan trường bất tài, xu nịnh và tham lam luồn cúi. Cuộc đời ông đã để lại rất nhiều giai thoại trong sự ngưỡng mộ của dân gian đương thời cũng như hậu thế hôm nay.
Khi Nguyễn Công Trứ về lĩnh chức Tổng đốc vùng Hải An, thường được gọi là Tổng đốc Đông, thì Nguyễn Quý Tân mới ngoài hai mươi tuổi và vừa mới thi đậu cử nhân. Nghe tiếng quan Tổng đốc là bậc tài hoa, Nguyễn Quý Tân đã muốn gặp, nhất là khi ông nghe kể chuyện rằng trong một buổi đàm đạo về thơ ca, cụ Trứ đã gọi đùa thơ văn tỉnh Đông là “thơ văn phó cối”, cử nhân Quý Tân lại càng muốn tìm cách gặp mặt để “làm cho rõ mặt anh tài”. Thế rồi từ chỗ mến tài nhau, nên tuy hơn tới ba giáp (36 năm) nhưng Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Quý Tân đã trở thành bạn vong niên tri âm tri kỷ.
Vì cứ rong ruổi rày đây, mai đó nên cuộc sống của Nguyễn Quý Tân thường lâm vào cảnh túng thiếu. Thương bạn, Nguyễn Công Trứ xin cho Nghè Tân được bổ đi làm Giáo thụ ở Bình Giang. Có lẽ vì quá nể quan Tổng đốc nên Nghè Tân miễn cưỡng nhận lời, nhưng vẫn tìm cách “gây sự” bằng cách sai con trai đem một bức thư cùng mũ áo, cờ biển tiến sĩ sang dinh cụ Trứ xin cầm lấy chút tiền làm lộ phí. Nguyễn Công Trứ mở thư xem thì thấy đó là một bài thơ đường luật, mỗi câu thơ có tên một con vật:
Có nghề mà lại cậy chi nghề
Nghề thế ai ngờ lại hóa nghê
Vạn sự bất như, thân cũng hổ
Nhất văn vô hữu, nợ còn bê
Công danh chỉ tổ đồ khoe mã
Cờ biển còn hơn của ướt sề
Bôn tẩu làm chi cho rách gấu
Thà rằng ngồi đó vuốt râu dê.
Tổng đốc Nguyễn Công Trứ đọc xong tuy giận nhưng không nói gì, chỉ sai người lấy tiền, trả lại mũ áo và cờ biển cho cậu con trai của Nghè Tân mang về. Và lẽ tất nhiên là cụ Nguyễn Công Trứ cũng không quên gửi kèm thêm bài thơ họa nguyên vần, mà số từ chỉ thú vật trong đó còn nhiều hơn những... 3 con so với trong bài thơ của Nghè Tân!
Tám vạn nghìn tư thứ ngỗng nghề
Thứ nghề áo mũ thứ nghề nghê
Mày râu ngẫm lại lòng thêm hổ
Thư kiếm sao đành dạ bỏ bê
Xanh đỏ rẻ cùi khoe tốt mã
Phong lưu khỉ gió hót đầy sề
Xin đừng giở thói văn chương nữa
Bán chó sao ngoài lại thủ dê?
THEO DANVIET