Trư Vương Tương Dực Đế có thực sự dâm loạn như người đời vẫn nghĩ?

Nhắc lại những gì “chính sử” ghi chép

Tương Dực Đế còn có tên là Dinh hay Trừu, là cháu của Thánh Tông, con thứ hai của Kiến Vương Tân, ở ngôi 8 năm, thọ 24 tuổi. Mẹ vua là Huy Từ Kiến Hoàng thái hậu Trịnh thị, tên húy là Tuyên, người làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương, con gái thứ tư của Đô đốc thiêm sự kiêm Tả công chính [Trịnh] Trọng Phong, sinh vua vào ngày 25 năm tháng 6 (1495), Thời Hiến Tông, được phong làm Giản Tu công. Đến khi Uy Mục Đế giết hại người công thất, một mình trốn được vào Tây Đô. Tháng 10 (1509), đem quân về đến Đông Kinh giết Uy Mục Đế, rồi lên làm vua, tự xưng là Nhân Hải động chủ.

Trư Vương Tương Dực Đế có thực sự dâm loạn như người đời vẫn nghĩ? - Ảnh 1.

(Tranh minh họa từ Báo Bình Phước Online).

Tháng giêng, (1513) ngày 26, nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thuỷ, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phan Hy Tăng sang sách phong vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục. Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thuỷ rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn…”

Trước đây, vua thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang. Lại sai làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu… Vũ Như Tô công trình sư làm điện lớn hơn trăm nóc. Lại làm Cửu Trùng đài, trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang. Hồ ấy quanh co khúc khuỷu, mở cửa cống có thể chở thuyền nhẹ ra vào .

Vua nghe lời vu cáo của Hiệu uý Hữu Vĩnh (không rõ họ) giết hết 15 vương công họ tông thất. Cho gọi cung nhân của Uy Mục và cung nhân của triều trước để thông dâm.

Trịnh Duy Sản vì nhiều lần can ngăn trái ý vua, bị đánh bằng trượng. Duy Sản mới cùng với bọn Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm mưu việc phế lập. Đêm mồng 6, hồi canh hai, đem hơn 3000 người ở các vệ Kim ngô và Hộ vệ vào cửa Bắc Thần. Duy Sản sai vũ sĩ là tên Hạnh cầm giáo đâm vua ngã ngựa rồi giết chết. Nguyễn Vũ cũng chết theo vua. Đem xác vua về quán Bắc Sứ, khâm liệm rồi đem thiêu. Khâm Đức hoàng hậu là Đôn Tiết, tự nhảy vào lửa chết. Quân sĩ đem hai quan tài về chôn ở làng Ngự Thiên, Quyền thần Lê Nghĩa Chiêu, Trịnh Duy Sản đón con trưởng của Cẩm Giang Vương Sùng lập làm vua gọi là Chiêu Tông Hoàng Đế.

Có phải Tương Dực mượn tên của anh để cướp nước, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt nặng, thuế khoá nhiều, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi, người thời ấy gọi là “vua lợn” không? Kẻ hậu thế cần phải cân nhắc một cách thận trọng để có một lời bàn thật công bằng, lời bàn không bị ảnh hưởng ý kiến của bất cứ ai, bất cứ quan điểm nào mà bằng lòng trung thực của chính trái tim mình.

Nhìn lại về vua Lê Tương Dực

Trường hợp của vua Lê Tương Dực gần giống như Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh. Hãy xét các công việc mà vua Lê Tương Dực đã làm, được viết trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư để bình phẩm:

1. Nhận xét của sứ thần phải không?

Vua lợn có thể bắt nguồn từ nhận xét của Hy Tăng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn…”. Có lẽ sử thần nào đó đã bẫy hậu thế vì Hy Tăng mới gặp vua lần đầu làm sao mà có nhận xét về tính tình của người khác được mà cho vua có tính háo dâm? Phải ở lâu, sống lâu, sống bên cạnh mới biết kẻ đó háo dâm hay không. Đã hẳn sứ thần nước ngoài nói câu ấy?

Hãy thử nhìn lại lời đối đáp rất ngoại giao lịch sự giữa nhà vua và sứ thần Hy Tăng. Vua tặng Hy Tăng mấy câu khi tiễn biệt:

Kim nhật tinh thiều hồi Bắc khuyết,

Tiễn diên bôi tửu mạc từ tần.

Tạm dịch:

Ngày nay xe sứ quay về Bắc,

Chuốc chén luôn luôn chớ ngại ngần.

Hy Tăng hoạ vần đáp lại rằng:

Vạn lý quan phong Bách Việt xuân,

Chướng yên tiêu tận vật hoa tân,

Xa thư bất dị Thành Chu chế,

Phi dược nguyên đồng đại tạo nhân.

Tạm dịch:

Muôn dặm ngắm nhìn Bách Việt xuân,

Chướng khí tiêu tan, sáng bội phần.

Xa thư chẳng khác Thành Chu trước,

Bay nhảy nguyên cùng tạo hoá nhân…

2. Về việc tuyển chọn nhân tài

Tháng 3 (1511), thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Thái Hoa 47 người (Thái Hoa người làng Địa Dục, huyện Thanh Lâm, thi Đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân). Đến khi thi Đình, vua đích thân ra đề văn sách, hỏi về đạo trị nước xưa nay. Sai Thái tể thái sư Thiệu quốc công Lê Quảng Độ làm đề điệu. Công bộ thượng thư Trình Chí Sâm làm tri cống cử; Hộ bộ tả thị lang Phạm Hạo và Lại bộ tả thị lang Đặng Minh Khiêm làm giám thí; Lễ bộ thượng thư Nguyễn Bá Thuyên, Thượng thư Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Thì Ung và Thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên Đỗ Nhạc làm độc quyển.

Đến khi đọc quyển thi, vua thân hành xem bài thi rồi định bậc cao thấp. Cho bọn Hoàng Nghĩa Phú, Trần Bảo Tín, Vũ Duy Chu 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Bùi Doãn Hiệp 9 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Trần Doãn Minh 35 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 5, ngày mồng 5 (1511) vua ngự điện Kính Thiên, quan Hồng lô truyền loa, xướng danh các tiến sĩ là bọn Hoàng Nghĩa Phú. Các quan mặc triều phục chúc mừng. Các tiến sĩ nhận ân mệnh, Lễ bộ đem bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Lại ban y phục, đai mũ và ban yến.

Tháng 3, (1514) thi Hội các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ, người dự thi là 5.700 người. Lấy đỗ bọn Nguyễn Bỉnh Đức (Bỉnh Đức trước tên là Giới, sau đổi thành Ninh Chỉ, sau lại đổi là Ninh Bang, người phường Thịnh Quang, huyện Quảng Đức, thi Đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân, triều Mã làm quan đến thượng thư thiếu sư Liêm quận công), gồm 43 người.

Mùa hạ, tháng 4, ngày 27, vua thân hành ngự điện ra đầu bài văn sách hỏi về nhân tài. Sai Tả bình chương quân quốc trọng sự nhập nội kiểm hiệu thượng tướng thái uý Lương quốc công Lê Phụ, Lại bộ thượng thư tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục Đàm Thận Huy, Công bộ hữu thị lang Lê Tán Tương, Thiếu bảo Lại bộ thượng thư Do Lễ bá Nguyễn Bá Thuyên, Hộ bộ thượng thư tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục Cẩn Lễ nam Đoàn Mậu, Thiếu báo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá Lê Tung, Hình bộ thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên Đỗ Nhạc chia nhau trông coi việc thi. Cho bọn Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Chiêu Huấn, Hoàng Minh Tá 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Vu 20 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Bỉnh Di 20 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 5, có chiếu cho các tiến sĩ mới là bọn Nguyễn Đức Lượng vào điện Thiên Quang làm bài ứng chế, vua sai làm bài Thiên Quang điện ký .

3. Dựng bia Tiến sĩ

Dựng bia ghi tên tiến sĩ khoa Tân Mùi năm Hồng Thuận thứ 3. Sai Công bộ thượng thư chưởng bộ sự, tri Hiển Phúc điện Uy quận công Nguyễn Bá Lân trông coi việc dựng bia, Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư, Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá Lê Tung soạn bi ký; Trung thư xá nhân Ngô Ninh viết chữ chân, Tri thượng bảo giám các cục Nguyễn Huệ viết chữ triện.

Sai Nguyễn Văn Lang trung tu Sùng Nho điện ở Quốc tử giám và hai giải vũ, sáu nhà Minh Luân, nhà bếp, phòng kho, cùng làm mới hai nhà bia bên đông và bên tây, mỗi gian đặt một tấm bia bên tả, một tấm bên hữu. Năm này, dựng hai nhà bia đề tên các tiến sĩ khoa Ất Sửu năm Đoan Khánh thứ 1 và khoa Mậu Thìn năm Đoan Khánh thứ 4. Khi ấy, sau khi sai trùng tu Quốc tử giám và làm mới nhà bia.

4. Đối với tiền đồ văn hóa lịch sử

Binh bộ thượng thư, Quốc tử giám tư nghiệp kiêm sử quan đô tổng đài Vũ Quỳnh (người xã Mộ Trạch, huyện Đường Yên) dâng bộ Đại Việt thông giám thông khảo chép từ Hồng Bàng thị đến Mười hai sứ quân về trước làm Ngoại kỷ, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm đầu Thái Tổ Cao Hoàng Đế bản triều đại định thiên hạ làm Bản kỷ, đều chép tường tận theo lối kỷ niên các triều đại, gồm 26 quyển

Mùa thu, tháng 9, (1514) sai thiếu bảo Lễ bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá Lê Tung soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận (Tung trước tên là Bang Bản, người làng An Lạc, huyện Thanh Liêm).

5. Đối với những người có công

Tháng 3, (1512) ngày mồng 3, có thánh chỉ rằng: Người nào là con cháu công thần khai quốc mà còn phải ở trong quân ngũ thì cho sắc mệnh phong tặng của cha ông đến kêu ở cửa quan. Quan bản xứ xét thực, người nào biết chữ thì được sung làm học sinh ở Sùng Văn quán, người nào không biết chữ thì sung làm tuấn sĩ của vệ Cẩm y.

Gia phong Lê Tung làm Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư, Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu, Tri kinh diên sự, Đôn Thư bá.

[1513], (Minh Chính Đức năm thứ 8). Mùa xuân, Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang chết, tặng phong Nghĩa Huân Vương, tang lễ theo nghi thức của tước vương, sai đúc vàng làm tượng.

6. Quốc thể Ngoại Giao

Khi vua mới được nước, mất ấn Quốc bảo, không có gì để khớp với phù khế của nhà Minh, có Kim quang môn đãi chiếu Nguyễn Huệ biết làm ấn Quốc bảo, vua sai khắc ấn để khớp với phù khế của nhà Minh, quả nhiên khớp với ấn của nhà Minh đã ban cho. Lần này nhà Minh sai bọn Nhược Thuỷ sang phong thì Huệ đã lui về vì tuổi già. Vua nghĩ đến công của ông, lại gọi ra để dùng.

7. Đối với tổ tiên dòng họ

Giáp Tuất, [Hồng Thuận] năm thứ 6 [1514], (Minh Chính Đức năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 2, vua bái yết Tây Kinh.

8. Làm gương cho dân

Vua cày ruộng tịch điền.

9. Đối vối quần thần

Ban sách Trị bình bảo phạm cho cả nước, gồm 50 điều. Dụ các quan văn võ và dân chúng rằng:

Nghĩ trời thương dân chúng, tất lập vua lập thầy; vua vâng mệnh trời, phải lo nuôi dạy trước. Thế là để lòng người hoà hợp, của dân dồi dào, đưa nước nhà đến cõi thịnh trị bình yên lâu dài. Xưa Nghiêu, Thuấn được hạnh phúc yên vui, vốn gốc ở trọng Ngũ điển, vui Cửu tự; Thang, Vũ đến thái bình thịnh trị, do nền ở ban Ngũ giáo, dùng Bát chính. Xem vậy, các bậc thánh đế minh vương thay trời trị nước, có bao giờ bỏ qua việc nuôi dạy mà trở nên thịnh trị được đâu.

Cao Thái Tổ Hoàng Đế khai sáng cơ nghiệp, truyền lại kỷ cương, dựng lập nhà học, khuyến khích nông tang, để vỗ yên bốn phương; Thái Tông Văn Hoàng Đế nối theo chí trước, noi việc người xưa, coi trọng giáo hoá, chăm nuôi muôn dân để yên hoà muôn nước; Thánh Tông Thuần Hoàng Đế kính nối mưu trước, làm hết luân thường, hoàn thiện chế độ, ban Đại cáo để bồi đắp gốc nền cho phong hoá, Hiến Tông Duệ Hoàng Đế tỏ rạng công trước, sáng suốt yên vui, ban lời dạy để khuyến khích thói hay tục tốt, lớp lớp yên hoà, đức hoá xa rộng, hiệu quả trị bình, đến đây là thịnh hơn cả. Đến đời Đoan Khánh [1505 – 1508], hoạn quan can thiệp vào chính sự, ngoại thích chuyên quyền, pháp luật phiền hà, kỷ cương rối loạn, nông tang mất nghiệp, phong tục suy đồi, thực rất thương tâm.

Trẫm nghĩ công tổ tông gây dựng gian nan, thương ức triệu dân cuộc đời đau khổ, vì tông miếu, xã tắc và sinh dân, đã đại cử nghĩa bình, dẹp yên bốn bể. Khi mới lên ngôi, ban hành giáo hoá, thận trọng hình phạt để phòng giữ lòng người; thi hành chính lệnh, ban ra nhân huệ để đón nối mệnh trời. Những muốn cho điển chương chế độ hết thảy đổi mới, bèn chọn lấy những điều có quan hệ đến chính trị, phong tục, biên tập thành sách Trị bình bảo phạm (Bảo thiên thanh hạ và Quang thiên thanh hạ: hai tập này chưa tìm được) để ban hành trong nước. Từ quan đến dân các ngươi, phải thể theo lòng trẫm, học lấy mà làm, để cùng đạt đến thịnh trị, để hưởng phúc thái bình muôn đời, để giữ vững cơ đồ mãi mãi.

Các điều dạy bảo kê ra như sau:

1- Bề tôi thờ vua, đều phải giữ lòng trung lương, kính ẩn lo giữ chức vụ, vì nước quên nhà, lo việc công, quên việc tư, cùng nhau cung kính hoà hiệp, nói thẳng, can gián đến cùng, không được a dua phụ hoạ, mong được yên thân, ăn hại bổng lộc, cầu may giữ chức, tâu xin việc riêng, bán quan tước, buôn ngục hình, đến nỗi làm phương hại tới đạo trị nước. Kẻ nào vi phạm sẽ bị tội nặng.

2- Những tông thất công thần từ trong cung cấm đến ngoài thế gia, cùng vui buồn với nước, phải thể theo lòng yêu nuôi sinh dân của triều đình. Ruộng đất, chằm ao, bãi dâu được ban cấp theo như lệ đã định rõ, đợi khi khám xong, ban cấp cho và dựng mốc ranh giới rồi mới được cày cấy. Nếu chưa qua khám thực, chưa dựng cột mốc, thì không được cướp đoạt mà thu thóc lúa. Không được dung nạp kẻ gian ra vào, ức hiếp, lấy lạm ruộng đất của dân, để cho dân mọn bị thất nghiệp. Phải dạy dỗ con cháu, răn bảo nô tỳ cho chúng hiểu biết lễ phép, không được cậy thế kiêu ngạo, đánh đập dân mọn, không được phép phóng ngựa ngoài đường phố, làm thương tổn mạng người, không được chắn ngang đường sá, cướp bóc của dân. Kẻ nào vi phạm, thì cho người bị hại cùng người trông thấy tố cáo lên quan khoa, đài, hiến ty và phủ, huyện, châu, để làm bản tâu lên giao cho Hình bộ trị tội. Nếu quan khoa đài, hiến ty và phủ, huyện, châu sợ hãi, né tránh kẻ quyền thế, không chịu xét hỏi thì cho người ấy đến cửa khuyết tâu lên, bọn quan khoa, đài, hiến ty đó đều nhất loạt bị trị tội.

3- Quan các nha môn trong ngoài phải nghiêm khắc sửa mình, kính cẩn siêng năng làm chức phận của mình, không được bừa bãi theo dục vọng riêng, say đắm tửu sắc, sai khiến bậy người dưới quyền, dắt mối gái điếm, nàng hầu, yêu sách cỗ bàn, liên miên chè chén, đến nỗi lười nhác bỏ cả việc công, làm hư hại tới phong hoá. Ai vi phạm sẽ bị trị tội theo pháp luật.

4- Lại bộ phải kính giữ công bằng, cân nhắc bổ dùng người, phải thận trọng dè dặt khi trao quan tước, giữ trong sạch quan trường. Nếu có dẫn người tuyển dụng thì mỗi lần 40 người, Lại bộ phải tư trước cho các nha môn, đoan khai họ tên những người đáng được thuyên bổ, rồi cùng với quan khoa, đài hiệp đồng dẫn tuyển, làm bản tâu lên, đợi nhận được sắc chỉ thì bổ dụng. Người nào lâu năm và trúng trường nhiều thì bổ trước, người nào ít năm và trúng trường ít thì bổ sau, người nào có quân công thì theo như lệnh thưởng công đời Hồng Đức mà thuyên bổ. Người ốm yếu hèn kém thì bổ chức tản quan, tạp lưu. Ai dám hối lộ và riêng tư, tuyển bổ không có thứ tự, thì cho quan đô, đài kiểm xét tâu lên, theo luật trị tội. Quan đô, đài không biết kiểm xét tâu lên cũng bị nhất loạt trị tội.

5- Giám sinh, nho sinh, sinh đồ cứ đến ngày mồng 1, ngày rằm hàng tháng đều phải mặc mũ áo đến điểm mục theo phép đã định. Phải tuân theo học quy, luyện tập văn bài, đợi khi thành tài để nhà nước sử dụng. Người nào dám chạy chọt cầu may, rong chơi ngoài đường, bỏ trễ việc học, thiếu 1 lần điểm mục thì phạt 140 tờ giấy trung chỉ, thiếu 2 lần thì phạt 200 tờ giấy trung chỉ, thiếu 3 lần thì đánh 40 roi, thiếu điểm mục 4 lần thì kiểm xét tâu lên giao cho Hình bộ xét hỏi, thiếu điểm mục 1 năm thì tâu lên bắt sung quân.

6- Trong kỳ thi Hương, các quan đề điệu, giám thí, giám khảo, khảo thí, tuần xước, và các xã trưởng phải thể theo đức ý của triều đình, phải giữ công tâm, mong lựa chọn được người có thực tài cho nhà nước sử dụng. Xã trưởng làm sổ khai nhận cho học trò, cốt được kẻ có thực học, không hạn chế số người nhiều hay ít, nộp lên quan huyện, châu bản hạt, cho thi một kỳ ám tả, rồi quan phủ cho thi ba đạo kinh nghĩa, quan thừa hiến hiệp đồng khảo thí như lệ. Thi xong, ngay hôm đó, kê khai hạng trúng tam trường là bao nhiêu người, hạng trúng tứ trường là bao nhiêu người, lập thành danh sách, rồi cùng với quan khảo thí ký tên vào để đề phòng gian trá. Hạn trong 3 ngày, các quan đề điệu, giám thí phải làm bản tâu lên, giao cho Hiến ty sát hạch. Ai dám riêng tư xoay tiền, mua ơn trả oán, nghe theo kẻ quyền thế mà lựa chọn không đúng người hoặc nộp bản tâu chậm trễ thì cho quan khoa, đài tâu lên để trị tội.

7- Đời Đoan Khánh, có nhiều kẻ gian phi ra vào nhà bọn ác đảng ở các làng Phù Chẩn, Hoa Lăng, có kẻ giả xưng là họ hàng của bọn ấy, có kẻ đi tìm mua tờ thiếp, để xâm chiếm ruộng đất của dân, cướp đoạt tiền tài của dân, đánh đập dân lương thiện, trêu ghẹo đàn bà con gái, cũng có kẻ chứa chấp bọn gian phi để chúng chia của cho mình, cậy thế lấn hiếp, gây hại ngày một quá. Nay bọn ác đảng tuy đã bị giết, nhưng bọn gian phi nói trên có kẻ nào vẫn theo thói cũ, ngang ngược hung bạo, quấy nhiễu dân mọn thì cho người bị hại và các phường, xã, thôn trưởng áp giải bản thân nó đến cáo giác với quan thừa, hiến, phủ, huyện, châu né sợ không chịu xét hỏi, thì cho người bị hại đến cửa khuyết tâu lên, nhất loạt giao cho Hình bộ trị tội cả.

10. Về vua Lê Tương Dực

Đỗ Nhạc soạn bài ký ở Quốc Tử giám có viết về vua Lê Tương Dực như sau:

“Vua thông minh xứng đáng bậc vua, sáng suốt làm gương cả nước, khôi phục quy mô xây dựng cơ nghiệp của Thái Tổ, mở rộng nền móng văn giáo thịnh trị của Thánh Tông. Ban đầu đặt kinh diên, lưu tâm điển tịch. Sáng vầng sao Khuê ngang trời dọc đất thì có tập Bảo thiên thanh hạ; mở gương trị giáo mẫu mực xưa nay thì có tập Quang thiên thanh hạ. Thánh học ngày càng cao minh, thánh đức ngày càng thuần tuý. Hơn nữa, đến nhà Thái học hỏi về đạo trị nước, ra nơi điện đình thi chọn bọn học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan chọn bọn học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan trùng tu Quốc tử giám và làm mới nhà bia, lại nghĩ tới hai khoa Ất Sửu, Mậu Thìn chưa có dựng bia, liền sai quan khắc bia soạn ký để dựng lên. Như vậy có thể thấy được cái ý tôn sùng đạo học, khuyến khích hiền tài sâu sắc dường nào!”

*****

Với thời gian chưa đầy 10 năm cầm quyền vua Lê Tương Dực đã cống hiến cho đất nước những điều như thế và ông là vị vua có tham vọng văn hóa lớn. Ông lên ngôi sau khi đã tự mình chiến thắng và diệt tan một hôn quân tàn bạo là Lê Uy Mục là người đã giết cha mẹ và anh em của ông, thời gian cai trị của ông vẻn vẹn chỉ có 8 năm, từ lúc 16 tuổi đến 24 tuổi.

Trư Vương Tương Dực Đế có thực sự dâm loạn như người đời vẫn nghĩ? - Ảnh 2.

(Tranh minh họa từ Báo Bình Phước Online).

Hoàng đế Lê Tương Dực đã bị một lực lượng thù địch giết chết mà kẻ cầm đầu là Trịnh Duy Sản, người rất căm giận vua vì nhiều lần trái ý vua, đã bị đem ra đánh bằng trượng.

Thật đáng tiếc…

Vì sao lại có sự mâu thuẫn đến như vậy trong chính sử, vua Lê Tương Dực là một hôn quân hay minh quân? Sử ấy là ai viết, ai sửa và ai tham khảo mà thành? Mời bạn đọc cùng suy nghĩ.

THEO DANVIET