Vì sao Lý Thường Kiệt được tôn là thành hoàng làng Nam Đồng ở Hà Nội, ông là dòng dõi Ngô Quyền?

Một trong những nét đẹp của văn hóa Việt là tín ngưỡng thờ thành hoàng làng. Việc gìn giữ các giá trị truyền thống này khiến đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam trở nên sống động, đậm đà bản sắc. 

Trong giới hạn bài viết, xin gửi tới bạn đọc đôi nét về vị thành hoàng làng của đình làng Nam Đồng  - danh nhân Lý Thường Kiệt.

Lý Thường Kiệt là một danh nhân của Việt Nam nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Trong cuốn sách “Gương mặt văn học Thăng Long” xuất bản trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, tác giả đã giới thiệu với độc giả về những nét tài hoa không chỉ ở sự nghiệp binh đấu mà còn ở văn chương của Lý Thường Kiệt. Cuốn sách được ấn hành bởi Nhà xuất bản Hà Nội.

Vì sao làng Nam Đồng ở Hà Nội tôn thờ Lý Thường Kiệt làm thành hoàng, ông là dòng dõi Ngô Quyền? - Ảnh 1.

Dâng lễ tại đình làng Nam Đồng (Hà Nội) trong lễ hội đình làng Nam Đồng-nơi Thái ủy Lý Thường Kiệt được dân làng tôn làm thành hoàng làng. Nam Đồng cũng là đất vua nhà Lý ban cho Lý Thường Kiệt làm thái ấp khi dưỡng già. Ảnh: Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Các tài liệu lịch sử đáng tin cậy đều khẳng định Lý Thường Kiệt (1019-1105) sinh ra đất Thăng Long và Nam Đồng chính là mảnh đất vua Lý ban cho vị võ tướng làm thái ấp dưỡng già. 

Theo sách “Tây Hồ chí” thì Lý Thường Kiệt đã mất ở Nam Đồng và có mộ chôn tại đây. Tiếc là theo thời gian và biến động lịch sử đã không tìm được dấu tích. Sau khi ông mất, dân Nam Đồng tôn ông làm thành hoàng làng và thờ tại đình làng Nam Đồng từ một vị trí ven đô xưa kia giờ đã nằm giữa phố phường đông đúc.

Tiểu sử xuất thân của Lý Thường Kiệt là một câu chuyện đầy ly kỳ, hấp dẫn. Lý Thường Kiệt sinh năm 1019, mất năm 1105. Ông vốn họ Ngô, tên là Tuấn, người ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, Gia Lâm - Hà Nội), con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ. 

Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Lý Thường Kiệt là hậu duệ của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập - con trưởng của Ngô Quyền.

Về sau, ông theo gia đình sang ngụ ở phường Thái Hòa (Hà Nội). Bình sinh, ông là người khôi ngô tuấn tú, thông minh, nhanh nhẹn, có chí khí, thích nghề võ. Hàng ngày, Ngô Tuấn thường luyện cung kiếm bày trận đồ, đêm chong đèn đọc binh pháp.

Năm 20 tuổi, Ngô Tuấn được đưa vào làm hoạn quan trong cung vua, 22 tuổi giữ chức "Hoàng môn chi hậu" trong quân túc vệ. Ông làm quan qua 3 triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Trong sự nghiệp của mình, Lý Thường Kiệt có công giữ yên biên giới, mở mang bờ cõi cho nước Đại Việt.

Chiến công lớn đầu tiên của ông là năm 1061 ông được cử đi bình định vùng đất Thanh Nghệ và nhờ tài nghệ của mình, ông đã khiến cho một dải non sông được yên bình. Đến năm 1069, Lý Thường Kiệt lại theo vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành, ông là tướng tiên phong và bắt được Vua Chiêm là Chế Củ. 

Sau sự kiện này, Chiêm Thành đã cắt 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính cho Đại Việt để đổi lấy tự do của Chế Củ.

Cũng chính Lý Thường Kiệt là người có vai trò lớn trong việc nâng cao vị thế và vai trò của Thái hậu Ỷ Lan. Theo nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, nếu không có sự hậu thuẫn và ủng hộ của Lý Thường Kiệt thì Ỷ Lan khó lòng nhiếp chính và có thể đưa ra những quyết định quan trọng trong lúc vua Lý Nhân Tông, con trai bà còn nhỏ tuổi.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075-1077, Lý Thường Kiệt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông trực tiếp tổ chức và lãnh đạo quân dân chống lại giặc ngoại xâm.

Sách Việt điện uy linh chép rằng Lý Thường Kiệt nghe tin người Tống muốn đem quân xuống rình nước ta để gây binh. Ông lập tức tâu vua: "Ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc ". Kế sách “Tiên phát chế nhân” này được triều đình ủng hộ. Lý Thường Kiệt dẫn binh đánh các thành địch.

Lý Thường Kiệt đã khéo léo vận dụng phổ biến hình thức chiến thuật tập kích, đánh úp, đánh bất ngờ, nhanh chóng hạ hàng loạt căn cứ của quân Tống. Trong trận đánh Ung Châu - căn cứ chính của quân Tống, Lý Thường Kiệt dùng cách đánh cường công, kết hợp nhiều chiến thuật như sai quân đào hầm từ dưới đất đánh lên, dùng hỏa tiễn đốt phá trại giặc, đắp đất cao ngang tường thành để trèo lên. 

Đến tháng 3/1076, quân nhà Lý triệt hạ ba căn cứ lớn của quân Tống là Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu, thực hiện kế hoạch phá hủy quân lương, buộc nhà Tống phải hoãn kế hoạch tiến đánh nước ta.

Sau thắng lợi ban đầu, ông ra lệnh rút quân về nước, xây dựng các lớp phòng ngự, sẵn sàng nghênh địch. Lý Thường Kiệt quyết định dựa vào sông núi, các đèo hiểm trở, các sông rộng và sâu để xây dựng tuyến phòng thủ trên đường bộ lẫn đường thủy. Trong đó, phòng thủ sông Như Nguyệt là tuyến chủ lực. Các trận đánh ở đây cũng mang lại thắng lợi toàn cục cho quân dân Đại Việt.

Khi đến bờ Bắc sông Như Nguyệt, quân Tống không tấn công ngay mà chờ thủy quân. Tuy nhiên, cánh quân thủy đã bị quân ta chặn đánh trong trận Đông Kênh, không thể tiến sâu vào Đại Việt theo đúng kế hoạch. 

Chờ không được thủy quân, quân Tống tổ chức hai lần tấn công chiến lũy Như Nguyệt nhưng đều thất bại nặng nề. Sau hai tháng, chờ quân địch mệt mỏi, Lý Thường Kiệt phát động phản công, giành thắng lớn.

Sau chiến thắng trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt biết quân Tống đã lâm vào thế bí, mà người Nam bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất nên sai sứ sang "nghị hòa" để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống không chỉ nhờ quân dân đồng lòng, kết hợp công - thủ mà còn nhờ cách đánh vào lòng người của Lý Thường Kiệt. Trận đánh sông Như Nguyệt vang danh sử sách của quân dân nhà Lý. 

Tương truyền, trong trận Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt soạn thảo Nam Quốc sơn hà rồi sai người đọc nó vào mỗi đêm. Lời lẽ đanh thép của bài thơ khiến tinh thần quân Tống càng thêm hoảng loạn, nhanh chóng rệu rã. Sau này, Nam Quốc sơn hà được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Những năm cuối đời, ông còn cầm quân đi đánh Lý Giác ở Diễn Châu (1103), dẹp giặc Chiêm quấy nhiễu ở Bố Chính (1104), tổ chức lại bộ máy quân đội, duyệt đổi các đơn vị từ cấm binh đến dân binh.

Với công lao hiển hách của mình, Lý Thường Kiệt từng được cả triều đình nhà Lý quý trọng. Ngay lúc ông còn sống, Lý Nhân Tông đã cho làm bài hát để tán dương công trạng. Ông được lịch sử ghi nhận là anh hùng kiệt xuất, một con người hiến dâng cả tâm hồn sức lực cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời tự chủ. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm kẻ thù khiếp phục.

Trong Ngưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh, nhà sư Thích Pháp Bảo ca ngợi Lý Thường Kiệt: “Thái úy vào trong thì sáng suốt, khoan hòa, ra ngoài thì nhân từ, giản dị, đổi dời phong tục nào có quản công, việc gì cũng siêng năng, sai bảo dân thì ôn hòa, cho nên, đời được cậy nhờ chẳng phải ít”.

Theo Lê Quý Đôn, chính sử Tống phải thừa nhận: binh pháp "đánh đâu thắng đấy" của nhà Lý đã được Sái Diên Khánh nhà Tống mô phỏng và được Tống Thần Tông "cho là phải".

THEO DANVIET