Vị hoàng đế lên ngôi nhờ may mắn
Đồng Khánh (1864 -1889) tên thật Nguyễn Phúc Ưng Biện là vị hoàng đế thứ chín của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Mới 2 tuổi, ông đã được đưa vào cung làm con nuôi của vua Tự Đức nhưng không được nối ngôi. Bởi khi vua Tự Đức băng hà, triều thần theo di chiếu tôn Ưng Chân (tức vua Dục Đức) - một người con nuôi khác của vua lên ngôi nhưng chưa đầy 3 hôm đã bị phế truất.
Sau đó triều đình đón em út của vua Tự Đức đưa lên ngai vàng và vị này cũng chỉ tại vị được 4 tháng thì bị bức tử bằng thuốc độc. Kế vị lại là một người con nuôi khác của Tự Đức rồi nhanh chóng qua đời vì bạo bệnh. Lúc này, dân chúng cứ ngỡ Ưng Biện sẽ được lên ngôi nhưng quần thần lại không để mắt đến ông. Họ đưa em trai của ông là Ưng Lịch (tức vua Hàm Nghi) kế vị ngôi báu.
Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất quân lãnh đạo phong trào chống Pháp, lập căn cứ tại Tuyên Hóa (Quảng Bình). Triều đình Huế và Pháp liền thương lượng rồi đưa Ưng Biện lên ngôi, lấy niên hiệu là Đồng Khánh. Đây được coi là việc gấp rút trong tình thế rối loạn, chứ xét rõ thì trái với di chiếu của vua Tự Đức. Trong di chiếu, vua đánh giá về Ưng Biện như sau: "Ưng Biện người yếu hay ốm, có tâm tật, chưa học thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người khác cho lạm thẳng, đều không phải là tư chất thuần lương, theo lời phải; sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được”.
Bởi vậy nhiều nhà sử học đánh giá việc Ưng Biện lên ngôi hoàng đế nhờ... may mắn. Và sau khi kế vị, vua Đồng Khánh đã hạ chiếu ban ơn thiên hạ: "Trẫm là con thứ hai của vua Dực Tông Anh hoàng đế, gặp phải thời vận gian nan, xót thương thần dân vô chủ, trên vâng theo ý chỉ, dưới lựa thuận dân tình, lại một lần đứng ra tỏ đại nghĩa để kết tình nghĩa với lân bang, chính thức vị hiệu nhằm tập hợp ý chí dân chúng.
Sau khi làm lễ thỉnh mệnh ở Giao miếu, lễ cáo tại điện Hòa Khiêm, vào tâu lên Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ. Hoàng thái hậu xem chọn ngày giờ, vào giờ Tị ngày 11 tháng ấy lên ngôi Hoàng đế tại điện Thái Hòa, lấy năm sau là năm Bính Tuất làm năm Đồng Khánh nguyên niên.
Uy nghi phục hồi, củng cố thêm lòng dân nhớ nước; đỉnh chung còn đó, hòa vang điệu hát thuở thái bình. Việc lớn đã định xong, cần phải rộng rãi gia ân cho thiên hạ”.
Có hơn 100 người vợ với bao nỗi muộn phiền
Ngay sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh đã phong tước cho những người vợ của mình theo các bậc khác nhau. Sách sử chép, vua có tất cả hơn 100 phi tần. Họ sinh cho ông được 6 hoàng tử và 3 công chúa. Họ cùng chia nhau chăm sóc, hầu hạ vua. “Hàng ngày, một toán cung phi được chọn trong tất cả đẳng cấp phục dịch đức vua. Ba mươi người chia nhau canh gác xung quanh hậu cung của ngài, năm nàng luôn ở bên cạnh ngài, luân phiên chăm sóc, trang điểm cho ngài.
Các nàng thay quần áo cho ngài, chải chuốt bộ móng tay dài hơn ngón tay, thoa dầu thơm, vấn khăn lụa vòng quanh đầu ngài. Sau cùng chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt xung quanh ngài sao cho thật hoàn hảo, năm cung phi này cũng kiêm lo hầu cơm nước cho đức vua…”, một người ngoại quốc sống ở Huế khi đó là F.Baille đã kể lại trong bài "Les Annamite".
Dã sử không đề cập đến họ tên, quê quán và xuất thân tất cả các bà vợ của vua Đồng Khánh, chỉ biết rằng trong số các phi tần có hai người được tôn phong là hoàng hậu. Đó là Tiên Cung hoàng hậu Dương Thị Thục - mẹ đẻ của hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định) và Thánh Cung Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Nhàn.
Bà Thị Nhàn nổi tiếng đức độ, được vua sủng ái cho cai quản mọi việc chốn hậu cung với kim bài chiều dọc khắc chữ "Kiêm nhiếp lục viện", chiều ngang "Đồng Khánh sắc tứ". Năm 1886, khi ban dụ tấn phong cho bà Thị Nhàn, vua có nhắc đến người vợ đầu tiên của mình và nêu lý do vì sao bỏ trống vị trí chủ quản nội cung.
“Khi trẫm còn chưa lên kế vị, Hoàng khảo đã tuyển chọn cho người con gái của Nguyễn Diệm là Nguyễn thị làm phủ thiếp, đó chính là người vợ nguyên phối của trẫm. Chuyện con cái vừa đến độ, tình giai lão vẫn mong chờ, trẫm lên nối ngôi chưa được bao lâu, còn chưa kịp tấn phong thì nàng đã tháo trâm cởi giày ra đi, kiếm xưa khó tìm lại được, trong lòng vô cùng thương tiếc.
Sau đó nhân các dịp lễ chúc mừng tuy đã tuyển cung nhân vào cung, tùy xét thăng cho cấp bậc nhưng cũng chỉ phong cho địa vị phi tần, riêng bậc chủ quỹ vẫn còn để khuyết đợi người hiền đức. Rồi mệnh tuyển chọn người con gái của Cố mệnh lương thần, Cần chính điện Đại học sĩ, Vĩnh Lại bá Nguyễn Hữu Độ là Nguyễn Hữu thị sung vào cung, vào ngày 13 tháng này cho nhập Đại nội.
Vì thế việc tuyển chọn ban phong là do duyên trời tác hợp chứ đâu phải là ngẫu nhiên. Nay nếu cứ theo thường lệ sủng ái đồng loạt ngang bằng nhau thì không những không an ủi tấm lòng của Lưỡng cung mà việc nội trị trong cung cũng chẳng thể trở nên tốt đẹp.
Vậy truyền tấn phong Nguyễn Hữu thị làm Hoàng Qúy phi. Vị hiệu sớm định, trong cung đều biết rõ cấp bậc mà kính cẩn thừa hành, việc nội trị có người gánh vác để trẫm có thể cố gắng tập trung tinh lực lo việc chính sự. Ý nghĩa của câu: “Trước phải tề gia rồi sau trị quốc” chính là như vậy”, bài dụ của vua Đồng Khánh nêu rõ. Tuy nhiên trong nội cung không hề yên ổn như mong muốn của vua. 2 năm sau, ông đã phải ban dụ nêu những lỗi lầm, nhược điểm và biện pháp trừng trị nghiêm đối với các người vợ của mình.
Sau lần ấy, vua Đồng Khánh những tưởng nội cung sẽ yên ổn, ngờ đâu chuyện thị phi giữa các bà vợ khiến ông mệt mỏi hơn rất nhiều. Đó cũng là thời điểm thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên toàn cõi nước Việt. Vua chỉ làm bù nhìn. Chính thực dân Pháp phải thừa nhận rằng: “Chưa hề ở xứ nào, thời nào có một ông vua bị thần dân oán ghét như vua bù nhìn Đồng Khánh".
Năm 1888, vua Đồng Khánh qua đời, để lại hơn 100 người vợ sống trong cảnh góa bụa với nỗi u buồn và chán nản.
THEO DANVIET