Dòng dõi khoa bảng nổi tiếng nước nhà
Theo ghi chép từ gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng thì: "Dòng họ Nguyễn Đăng trước sau có lịch sử 600 năm, bốn vị tổ ban đầu đều dạy học, đời thứ năm trở đi bước vào thời kỳ khoa bảng, kể từ năm 1443 đến năm 1918 trong khoảng 475 năm có 91 người đỗ đạt, trong đó 6 tiến sĩ, thám hoa và trạng nguyên, 7 giám sinh, 25 hiệu sinh, 2 tú tài, 5 thiếu khanh, tổng giáo và huyện thừa."
Nguyễn Đăng là một dòng họ nổi tiếng khoa bảng và hiển đạt ở vùng Kinh Bắc, nhiều đời đều có người đỗ đạt làm quan to trong triều.
Nhà thờ họ Nguyễn Đăng. (Ảnh: Languudiem.com).
Nhiều người trong họ Nguyễn Đăng học giỏi, dù không đỗ đại khoa nhưng vẫn được giữ chức quan cao trong triều. Có thể lấy một vài ví dụ như: Nguyễn Đăng Cảo đỗ thám hoa năm 1683 làm quan ở Hàn lâm viện đến chức đô ngự sử, lại có tài ứng đối bang giao làm cho sứ nhà Thanh phải nhiều phen kinh ngạc và thán phục; em trai Nguyễn Đăng Cảo là Nguyễn Đăng Minh năm 16 tuổi trúng sinh đồ, 22 tuổi đỗ tiến sĩ , làm quan đến chức tế tửu ở trường Quốc Tử Giám. Nhưng nổi tiếng nhất họ Nguyễn Đăng có lẽ là tể tướng Nguyễn Đăng Đạo.
Đứa trẻ lạ
Vợ ông Nguyễn Đăng Minh sinh ra Nguyễn Đăng Đạo vào năm 1651 ở làng Hoài Bão (tên nôm là làng Bịu), huyện Tiên Du, vùng đất trù phú của Kinh Bắc xưa kia. Nơi đây đồi núi nhấp nhô xen lẫn với những cánh đồng lúa bát ngát đẹp như tranh vẽ cùng những câu chuyện dân gian được truyền tụng hết đời này đến đời khác.
Tương truyền khi phu nhân ông Đăng Minh là bà Ngọc Nhĩ có thai, một đêm vào mùa hạ trăng sáng, bà ra giếng lấy nước, chợt có một ngôi sao sáng lấp lánh rơi vào thùng nước, bà bèn mang thùng nước về dùng, sau đó sinh ra Nguyễn Đăng Đạo.
Năm Nguyễn Đăng Đạo 3, 4 tuổi thì được người bác là thám hoa Nguyễn Đăng Cảo đưa đi theo cùng khi đón tiếp sứ Trung Hoa. Sứ nhà Thanh vốn là người giỏi xem tướng, nhìn Đăng Đạo đã nói rằng: "Thiên sơn vạn thủy, lam chướng bất xâm, chơn kỳ đồng dã", nghĩa là: Dặm ngàn non nước mà lam chướng không xâm phạm nổi, thì quả là đứa trẻ lạ.
Khi Nguyễn Đăng Đạo lên 6 tuổi thì được gia đình cho đi học. Ngay những ngày đầu cậu bé Nguyễn Đăng Đạo đã cho thấy sự thông minh và tư chất hơn người. Đường đi học phải qua cầu Trợ, tục gọi là cầu Giếng. Những hôm trời rét đậm Nguyễn Đăng Đạo phải vào cầu trú chân cho đỡ rét. Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện quan huyện Tiên Du đi qua cầu đúng lúc Nguyễn Đăng Đạo đang nằm trong cầu cho đỡ rét mà không dậy chào. Quan quát hỏi thì được biết đây là học trò trong huyện, liền bắt phải làm một bài thơ mô tả cảnh trời rét.
Nguyễn Đăng Đạo liền ứng khẩu rằng:
Vi vu gió thổi, bụi lầm đường,
Rét phải nằm co, há phải cuồng!
Cá chửa giương vây miền Bắc Hải,
Rồng còn cuộn khúc bãi Nam Dương.
Cất đầu ngón đợi kiền khôn đế,
Uốn gối mong chầu cảnh thổ vương,
Bĩ hễ cực rồi, rồi đến thái,
Sang xuân đầm ấm lại nghênh ngang
Quan nghe thấy có khẩu khí, liền tha cho Nguyễn Đăng Đạo.
Mệnh viết trạng nguyên, lại có duyên với nhà Phật
Trên đường đi học, Nguyễn Đăng Đạo cũng hay qua chùa Phật Tích nằm trên núi Lạn Kha do vua Anh Tông nhà Lý dựng lên. Thời đấy chùa do thiền sư Chuyết Công làm trụ trì. Ông được biết đến là người từng đi thuyền vượt biển chở hơn ba vạn quyển kinh Tam Tạng sang nước Nam.
Thiền sư Chuyết Công rất yêu quý Nguyễn Đăng Đạo. Mỗi lần cậu bé qua chùa, thiền sư nhìn thấy đều mời vào chùa chơi, rồi lấy hộp trầu cau ra mời. Một hôm Nguyễn Đăng Đạo đùa tinh nghịch bèn viết một chữ "Hiến" (献) vào đáy hộp rồi đi học.
Lúc Nguyễn Đăng Đạo trở về qua chùa, thiền sư mời vào và nói rằng chữ "Hiến" (献 – nghĩa là dâng, tặng) là do chữ "Nam" (南 – nghĩa là phương Nam) và chữ "Khuyển" (犬 – nghĩa bóng là kẻ dưới trung thành) hợp thành. Vậy nên chữ "Hiến" có hàm nghĩa là Nguyễn Đăng Đạo sẽ là một bề tôi của triều đình nước Nam. Thiền sư tiếp lời: "Ta vốn biết nhà thầy sẽ là Trạng nguyên của nước Nam, nhưng thầy có muốn nổi tiếng cả ở triều đình Trung Quốc hay không?"
Nguyễn Đăng Đạo nghe thì giật mình sụp lạy. Bấy giờ thiền sư đưa một quyển sách rồi nói: "Đó là một quyển sách quý, nhà thầy nên đọc kỹ sẽ thành tài."
Từ đó Nguyễn Đăng Đạo vốn đã có trí tuệ hơn người, lại có thêm trí huệ của nhà Phật, nên ông hiểu được ý nghĩa của đời người. Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Đăng Đạo và thiền sư Chuyết Công vẫn được người làng Hoài Bão lưu truyền đến nay.
Mối duyên tiền định
Được sự dạy dỗ của cha là tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh và bác ruột là thám hoa Nguyễn Đăng Cảo nên Nguyễn Đăng Đạo có được kiến thức rất sâu rộng. Năm 16 tuổi, cậu đi thi và đỗ tam trường (tú tài).
Trong thời gian này, dân gian còn lưu truyền câu chuyện về mối duyên của Nguyễn Đăng Đạo và con gái của tướng quân Ngô Hiến Hầu.
Số là Nguyễn Đăng Đạo cùng bạn bè lên kinh thành chơi tết Nguyên tiêu, đi qua chùa Báo Thiên liền bắt gặp một chếc kiệu song loan dừng lại trước cổng chùa với các nữ tỳ và lính lệ theo hầu. Đột nhiên Nguyễn Đăng Đạo bồi hồi không thể nhấc chân lên được.
Thấy có chàng trai lạ đứng trước kiệu chặn mất đường, đám lính lệ quát tháo, giơ roi dọa đánh nhưng Nguyễn Đăng Đạo chẳng hề màng tới. Thiếu nữ ngồi trong kiệu bỗng cất tiếng nhắc khéo bọn lính lệ: "Hội vui cảnh đẹp, mọi người cùng du chơi thưởng ngoạn, các ngươi chớ nạt nộ người ta như thế". Nói rồi người ngồi trong kiệu lại bảo lính lệ nép vào lề đường mà đi.
Nguyễn Đăng Đạo cùng bạn bè lên kinh thành chơi tết Nguyên tiêu, đi qua chùa Báo Thiên liền bắt gặp một chếc kiệu song loan dừng lại trước cổng chùa. (Tranh minh họa)
Nguyễn Đăng Đạo suy nghĩ người con gái này quả là nhân hậu, liền quyết định đi theo xem nhà nàng ở đâu. Khi kiệu song loan dừng lại trước một dinh thự lớn, Nguyễn Đăng Đạo dò hỏi quán nước gần đấy thì được biết đây là nhà của tướng quân Ngô Hiến Hầu, là người có công lớn nên được cử coi cấm binh, chỉ huy việc quân của cả kinh thành.
Về xóm trọ, Nguyễn Đăng Đạo cứ nghĩ về người thiếu nữ nọ, cảm thấy dường như là đã quen biết từ kiếp nào, không biết có duyên phận được gặp lại hay không, cứ như là có mối duyên tiền định, nên quyết tâm muốn gặp nàng một lần nữa. Biết thân phận của mình chưa thể đường đường chính chính gặp con gái tướng quân, nên Nguyễn Đăng Đạo dò hỏi, làm quen với những người hầu, rồi tỉ mỉ tìm cách đột nhập vào dinh phủ của tướng quân.
Cuối cùng, một đêm nọ, Nguyễn Đăng Đạo quyết định trèo vào phủ tướng quân, vượt qua các lớp canh phòng đến được nơi ở của người thiếu nữ nọ. Tuy nhiên khi đến được rồi thì Nguyễn Đăng Đạo cũng không hành xử như kẻ gian, mà lớn tiếng nói chuyện, bày tỏ tấm lòng chính trực với cô gái, kinh động tới toàn bộ dinh phủ.
Ngô Hiến Hầu hay tin thì nổi giận đến xem kẻ nào to gan dám đêm hôm đột nhập vào nơi ở của con gái mình. Nhưng khi vị tướng quân nhìn thấy chàng trai hiền lành, nói năng nho nhã, rõ ràng chững chạc thì không đánh đập mà giải lên quan tham tụng là Phạm Công Trứ luận tội.
Lúc này có một vị quan họ Phạm làm việc ở Nội viên vốn có quen biết và nghe tiếng nhà họ Nguyễn Đăng, tình cờ biết chuyện liền nói đỡ rằng:
Kẻ làm việc phi thường ắt có tài khác thường. Tên này chắc có tài cán, hoài bão gì đây. Chi bằng xem nó có tài gì không. Nếu có thì nhân đó tác thành cho nó. Còn là loại côn đồ thì đánh chết chưa muộn.
Ngô Hiến Hầu thấy thế cũng hợp lý, nên ra đề yêu cầu Nguyễn Đăng Đạo làm bài văn để xem tài. Nguyễn Đăng Đạo viết liền một mạch rồi trình lên, các quan xem xong bài phú thì đều phải trầm trồ khen hay, quả nhiên kẻ dám đột nhập mà lại còn dám lớn tiếng trong dinh phủ người chỉ huy quân cấm vệ kinh thành thì tất không thể tầm thường.
Lúc này vị quan họ Phạm mới nói thêm vào: "Ngàn vàng cũng chẳng tìm được đứa rể quý như thế đâu!". Ngô Hiến Hầu bị bài phú tuyệt tác của Nguyễn Đăng Đạo làm cảm phục, khiến ông ta liên tục trầm trồ khen hay, hỏi quê quán xuất thân của Nguyễn Đăng Đạo rồi tha cho về.
Câu chuyện về vụ án trên đây được ghi chép cẩn thận trong cuốn "Lan Trì kiến văn lục" của tri phủ quốc oai Vũ Trinh. Vụ án ly kỳ này không chỉ được ghi chép lại trong quá trình xét xử mà còn được dân gian truyền lại cho đến nay.
Trạng Nguyên
Năm 19 tuổi, Nguyễn Đăng Đạo đỗ đầu kỳ thi Hương (giải nguyên), được triều đình cho vào học ở trường Quốc Tử Giám. Dù Nguyễn Đăng Đạo là người đoạt giải nguyên, nhưng người vui mừng nhất lại là cha con tướng quân Ngô Hiến Hầu, ông đón Nguyễn Đăng Đạo về làm rể, tác thành cho con gái mình.
Năm 1683, Nguyễn Đăng Đạo dự kỳ thi Đình, nội dung khoa thi năm đó là "Có nền tảng thái bình tất phải có quang cảnh thái bình", bài văn sách của Nguyễn Đăng Đạo được đánh giá là văn chương điêu luyện, kiến thức sâu rộng không ai bì kịp.
Nguyễn Đặng Đạo đỗ trạng nguyên kỳ thi này. Vì làng của ông còn có tên nôm là làng Bịu nên dân gian vẫn quen gọi ông là Trạng Bịu.
Cuốn "Đại Việt sử ký tục biên" có ghi chép rằng:
Mùa xuân, tháng Giêng, thi Đình. Cho Nguyễn Đăng Đạo, Phạm Quang Trạch, Quách Giai ba người đỗ tiến sĩ cập đệ, Nguyễn Đương Hồ tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp); bọn Trần Thiện Thuật 14 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Không sợ cường quyền, can ngăn chúa Trịnh
Bằng tài năng của mình, Nguyễn Đăng Đạo thăng tiến nhanh chóng, qua mấy năm đã được bổ nhiệm vào Lại bộ thị lang, năm 1689 thăng lên làm Đô ngự sử.
Ông là người có công tiến cử những bậc hiền tài thời đó như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Bùi Sĩ Tiêm, v.v. Những người này ít lâu sau đều giữ chức tham tụng trong phủ chúa, đứng vào hàng quan lại bậc nhất của triều đình.
Lúc chúa Trịnh Căn mới lên ngôi liền đưa ra quy định rằng:
Vào ngày "sóc vọng" các quan sau khi vào chầu vua Lê xong phải để nguyên y phục vào phủ chúa chầu.
Các quan đều phải tuân theo, riêng Nguyễn Đăng Đạo bao giờ cũng chầu vua xong, về nhả thay đồ thường phục rồi mới vào chầu phủ chúa. Chúa Trịnh Căn không bằng lòng liền hạch tội ông, Nguyễn Đăng Đạo thưa rằng: "Mũ áo triều đình ban cho là để chầu thiên tử. Nay nhà chúa cũng đòi trăm quan làm như thế với mình, e thiên hạ dị nghị là trái đạo vua tôi."
Chúa cho là phải, khen ông là người trung nghĩa và còn thưởng vàng cho ông, đồng thời cho bãi bỏ lệ này.
Cuốn "Bắc Ninh phong thổ tạp ký" có ghi chép sự việc này như sau:
Lúc bấy giờ trăm quan muốn dùng triều phục bệ kiến vua vào chầu ở phủ chúa Trịnh, ông cho là phi lễ. Chúa Trịnh khen thưởng vì tính cương trực, tặng cho 200 lạng vàng.
Đền thờ Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo tại làng Bịu (xã Liên Bão, huyện Tiên Du). (Ảnh: Quehuongonline.vn).
Nơi quan cao trọng vọng vẫn hết lòng vì quê hương
Sau này, Nguyễn Đăng Đạo được triều đình giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng, từ binh bộ thượng thư rồi lên tới chức quan cao nhất là tể tướng đời nhà Hậu Lê.
Dù làm quan đại thần cao sang, nhưng ông luôn nghĩ đến những người nghèo khó, nghe tin làng Bịu bị úng lụt mất mùa ông viết thư cho vợ rằng: "Ta làm quan đại thần trong triều, không nỡ ngồi nhìn dân ta đói mà không xót thương, phu nhân phải đem tiền gạo, thóc của nhà ra mà cứu đói, cấp thóc cho dân gieo cấy ". Dân làng Bịu nhờ đó mà qua được bước khó khăn.
Có lần đi sứ trở về nhà, ông phát hiện vợ mình đã làm thêm hai gian nhà ngói, ông tỏ ý không bằng lòng. Thế nhưng với dân làng thì ông lại rất hào phóng, dành tiền tu bổ làng miếu ở quê.
Theo lệ thì ông phải nhận ruộng công do triều đình ban cho, ông liền nhận những ruộng xấu, bị bỏ hoang lau lách ở cánh đồng, rồi cho thuê người phát cỏ cải tạo thành ruộng tốt, chia lại cho các hộ nghèo.
Người dân trong làng truyền nhau rằng: "Công đức của tướng công, trải muôn đời ghi nhớ khôn cùng".
Lưỡng quốc trạng nguyên
Nguyễn Đăng Đạo hai lần được cử đi sứ nhà Thanh, lần nào cũng làm rạng danh cho đất Việt.
Bấy giờ, các quan thổ ty nhà Thanh hay đưa quân quấy nhiễu lấn chiếm đất đai nơi biên giới với Đại Việt, triều đình nhiều lần cử các quan đại thần đi sứ nhưng không đòi lại được đất.
Năm 1697, Nguyễn Đăng Đạo lãnh sứ mệnh dẫn đầu đoàn sứ bộ đến nhà Thanh nhằm giải quyết tranh chấp vùng đất ở hai động Tuyên Quang và Hưng Hóa. Đây là việc rất khó khăn, nhưng Nguyễn Đăng Đạo đã đưa ra những lập luận không thể chối cãi và yêu cầu nhà Thanh trả lại các vùng đất cho Đại Việt.
Tuy vậy, quan lại nhà Thanh lại lo rằng nếu trả đất sẽ thành thông lệ, sau này sẽ lại đòi thêm, vì thế mà chần chừ chưa quyết việc trả đất, đồng thời nhiều lần tìm cách thử tài Nguyễn Đăng Đạo.
Có lần, hoàng đế nhà Thanh truyền xuống vế đối:
Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt thiêm hoa sắc, phong tống hoa hương, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách ứng tương tư khách.
Nghĩa là:
Đêm xuân trăng gió, trăng thêm sắc cho hoa, gió đưa hương hoa, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc suốt đêm xuân, khách tương tư nhớ nhung khách tương tư.
Đây là một vế đối đầy chất thơ, luyến láy bởi những âm điệu trầm bổng giàu nhạc điệu. Nó quả thực là một vế đối khó, khiến các sứ thần ngơ ngẩn.
Rồi sứ giả Cao Ly đối:
Tùng viện trúc mai, mai sinh long diệp, trúc hóa long chi, chi ty diệp, diệp ty chi, diệp diệp chi chi liên tùng viện, hữu tình nhân thức hữu tình nhân.
Nghĩa là:
Mai trúc lầu tùng, mai trồi lá đẹp, trúc này cành xinh, cành liền lá, lá liền cành, lá lá cành cành sát lầu tùng, người hữu tình hiểu người hữu tình.
Còn Nguyễn Đăng Đạo đối:
Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm hòa ngã tính, tính viên tình, tình viên tính, tính tính tình tình ngu hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm nhân.
Nghĩa là:
Ngày hạ có đàn thơ, thơ giải tình ta, đàn dịu tính ta, tính vẹn thêm tình, tình càng vẹn tính, tính tính tình tình vui ngày hạ, bạn tri âm biết bạn tri âm.
Vế đối của Nguyễn Đăng Đạo được triều đình nhà Thanh hân thưởng, cho là "chung đúc cả tạo hóa trong một con người".
Có lần Vua nhà Thanh cũng yêu cầu sứ thần các nước làm bài phú Bái Nguyệt đình (vịnh trăng sáng). Trong khi sứ thần các nước đang loay hoay thì Nguyễn Đăng Đạo nhanh chóng làm xong. Các quan nhà Thanh xem bài phú ông làm thì cho là tuyệt tác, vua Thanh đọc xong cũng khen ngợi, ban cho ông là "Bắc triều đệ nhất Trạng Nguyên", ban mũ áo võng lọng và cho ông vinh quy về nước.
Nguyễn Đăng Đạo trở thành "lưỡng quốc trạng nguyên", tức là Trạng Nguyên của cả hai triều, lời tiên đoán của thiền sư Chuyết Công khi xưa đã thành hiện thực. Ông cũng hoàn thành sứ mệnh giải quyết việc tranh chấp đất đai vùng biên giới mà suốt nhiều năm liền chưa ai làm được.
Năm 1718, Nguyễn Đăng Đạo xin được lui về, đến năm 1719 thì ông mất
Trần Hưng (Theo Tri Thức)