Chuyện dòng họ Nguyễn Đăng nổi tiếng ở làng Bịu.

Nguồn gốc phát khoa bảng

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng thì thủy tổ là cụ Huyền Chiếu Công, vốn mang họ Nguyễn Duy, sinh vào thời nhà Trần. Đến khi nhà Trần suy vi, Giang Sơn loạn lạc, cụ cùng gia đình đến vùng đất Tiên Du. Là người biết về phong thủy cụ Huyền Chiếu Công nhận thấy nơi đây có thể an cư lâu dài nên cùng gia đình ở lại sinh cơ lập nghiệp.


Dòng họ Nguyễn Duy kéo dài đến 7 đời, đến đời thứ 8 là cụ Hằng Sơn thì vì họ Nguyễn Duy phạm tên húy đến một người trong họ Chúa Trịnh, nên phải đổi sang họ Nguyễn Đăng (Đăng nghĩa là đèn).

Cụ Hằng Sơn làm nghề dạy học ở chùa Bách Môn nằm trên núi Tiên Du (huyện Tiên Du ngày nay). Theo “Thần tích” kể lại thì một hôm cụ Hằng Sơn được một vị Thần linh báo mộng cho biết một mảnh đất quý, nếu táng hồi cốt cha mẹ vào thì đời con cháu sau này sẽ hiển vinh, nhưng điềm báo lại nói là mảnh đất ấy dành cho một người học trò họ Đinh.

Cụ Hằng Sơn thấy lạ bèn tìm người học trò họ Đinh của mình rồi thuật lại điềm mộng của mình, chỉ cho cách táng hài cốt cha mẹ vào huyệt đất quý. Cậu học trò họ Đinh làm theo nhưng qua một thời gian dài không thấy có được thay đổi gì cả. Cụ Hằng Sơn suy nghĩ lại, đoán rằng có thể vị Thần kia thật ra muốn báo mộng cho mình, nên mang hài cốt cha mẹ mình cũng táng vào mảnh đất này. Vậy là từ đó dòng họ Nguyễn Đăng phát đường khoa bảng. Còn họ Đinh thì không hề thấy có ai phát đường khoa cử.

Dân gian giải thích rằng Thần linh muốn thử lòng trung thực của cụ Hằng Sơn, xem có để đất cho học trò họ Đinh hay không. Vì cụ Hằng Sơn trung thực nên vẫn giữ được phúc phận. Giả như lúc đó cụ Hằng Sơn cứ ngầm táng cha mẹ vào mảnh đất ấy mà không nói với cậu học trò, thì có khi lại là việc dối trá thất đức. Nếu chuyện đó xảy ra thì dòng họ Nguyễn Đăng cũng không thể phát khoa cử.

Câu chuyện trên là “Thần tích” để lại, không rõ hư thực ra sao, nhưng người ta truyền tụng rằng từ sau đời cụ Hằng Sơn thì dòng họ Nguyễn Đăng phát rất mạnh đường khoa bảng.

Những người con họ Nguyễn Đăng

Cụ Hằng Sơn có hai người con trai, con cả là Nguyễn Đăng Cảo và con thứ là Nguyễn Đăng Minh. Hai anh em cùng dự khoa thi năm 1646 dưới thời vua Lê Chân Tông. Kết quả Nguyễn Đăng Cảo đỗ đầu tức Thám hoa, do khoa thi này không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn, nên Thám hoa là cao nhất. Con thứ là Nguyễn Đăng Minh đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Nguyễn Đăng Cảo làm quan thanh liêm, lại thẳng thắn cương trực nên không được lòng Triều đình. Sau 3 năm làm quan ông bị bãi chức. Tuy nhiên sau đó nhiều lần Triều đình có việc không sao giải quyết được thì lại phải mời Đăng Cảo ra giúp.

Ví như những lần sứ nhà Thanh sang nước ta hạch sách, Triều đình phải mời Đăng Cảo ra ứng đối. Khi cần người tài sang nhà Thanh đi Sứ, cũng chẳng ai khác ngoài Nguyễn Đăng Cảo có thể gánh vác được.

Nguyễn Đăng Minh có hai con là Nguyễn Đăng Tuân và Nguyễn Đăng Đạo. Hai anh em cùng dự khoa thi năm 1683 dưới thời vua Lê Hy Tông. Nguyễn Đăng Đạo đỗ đầu tức Trạng nguyên, còn Nguyễn Đăng Tuân đỗ tiến sĩ.


Đền thờ Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo tại làng Bịu (xã Liên Bão, huyện Tiên Du). (Ảnh: I.T).
Cùng với bác mình là Nguyễn Đăng Cảo, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo được xem là thành công rực rỡ nhất, cả hai người là niềm tự hào cho cả dòng họ Nguyễn Đăng. Năm Đăng Đạo được 3, 4 tuổi thì người bác là Thám Hoa Nguyễn Đăng Cảo đưa cậu đi theo cùng khi đón tiếp sứ Trung Hoa. Sứ nhà Thanh vốn là người giỏi xem tướng, nhìn Đăng Đạo đã nói rằng: “Thiên sơn vạn thủy, lam chướng bất xâm, chơn kỳ đồng dã” (tức là: Dặm ngàn non nước mà lam chướng không xâm phạm nổi, thì cũng là đứa trẻ quá lạ).

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Đăng Đạo được làm quan dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Ông là một trong số rất ít những người có tiếng nói để ngăn cản bớt sự lộng quyền của chúa Trịnh. Cuốn “Bắc Ninh phong thổ tạp ký” có ghi chép như sau: “Lúc bấy giờ trăm quan muốn dùng triều phục bệ kiến vua vào chầu ở phủ chúa Trịnh, ông cho là phi lễ. Chúa Trịnh khen thưởng vì tính cương trực, tặng cho 200 lạng vàng”.

Là nhân tài của Đại Việt, Đăng Đạo được cử dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Thanh đòi lại các vùng đất ở Tuyên Quang và Hưng Hóa, đây là việc rất khó vì qua thời gian lâu nhiều đoàn sứ thần đã đi nhưng đều không có kết quả. Ông đưa ra lập luận vững chắc, vua quan nhà Thanh nhiều lần tìm cách thử tài nhằm bắt bí nhưng ông đều vượt qua được.

Cuối cùng ông không chỉ đòi được đất về mà ông còn khiến Triều đình nhà Thanh bội phục, vua Thanh phong ông là Đệ nhất khôi nguyên (trạng nguyên) của Bắc triều, ban mũ áo võng lọng và cho ông vinh quy về nước, ông trở thành Trạng nguyên hai triều. (Xem bài: Vị “lưỡng quốc trạng nguyên” duy nhất trong sử Việt làm quan tới chức tể tướng)

Được làm quan to đầu triều nhưng Đăng Đạo vẫn không quên người dân khốn khó. Nghe tin làng Bịu bị úng lụt mất mùa, ông viết thư cho vợ: “Ta làm quan đại thần trong triều, không nỡ ngồi nhìn dân ta đói mà không xót thương, phu nhân phải đem tiền gạo, thóc của nhà ra mà cứu đói, cấp thóc cho dân gieo cấy ”.

Dòng họ Nguyễn còn có nhiều người đỗ tiến sĩ nhưng không được vào văn bia, do sinh vào thời loạn lạc, nhiều người không muốn theo tham quan nên đã treo ấn từ quan, giữ vững khí tiết.

 Trí Thức VN.