Danh nhân văn hóa Phan Phu Tiên
Theo tư liệu lịch sử, danh nhân văn hóa Phan Phu Tiên (1370 - 1482) quê ở làng Kẻ Vẽ (nay là làng Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ông có tên chữ Tín Thần, hiệu Mặc Hiên, vừa là nhà sử học, nhà biên khảo và nhà giáo nổi tiếng thời Hậu Lê.
Danh nhân Phan Phu Tiên thi đỗ tiến sĩ hai lần ở hai triều đại khác nhau. Vào thời Trần Thuận Tông năm 1396, Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh lần đầu, đồng khoa với Hoàng Quán Chỉ - người đầu tiên đỗ tiến sĩ của làng Cót (nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).
Tượng thờ danh nhân Phan Phu Tiên do con cháu họ Phan xây dựng. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Vốn nổi danh là một người chính trực, không màng danh lợi nên khi nước ta bị giặc Minh xâm lược thời nhà Hồ, Phan Phu Tiên đã quyết tâm từ quan trở về quê ở ẩn. Chỉ cho đến năm 1429, khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi, nền tảng đất nước chưa ổn định, rất cần người tài. Vậy nên Phan Phu Tiên đi thi lần thứ hai và tiếp tục đỗ khoa Minh kinh.
Sau khi thi đỗ, Phan Phu Tiên được vào làm việc ở Quốc sử viện và Quốc Tử Giám, hai cơ quan nghiên cứu học thuật và đào tạo nhân tài quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ.
Bên cạnh đó, Phan Phu Tiên còn có đóng góp rất lớn đối với lịch sử nước nhà khi là người viết tiếp bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, từ đời Trần Thái Tông đến đầu đời Lê Thái Tổ. Đồng thời, ông cũng là người khởi thảo và đồng soạn hợp quyển "Việt âm thi tập" và bộ "Quốc triều luật lệnh".
Đối với người dân làng Đông Ngạc, ông có công lao rất lớn khi là người khai khoa tiến sĩ của làng, mở đầu cho truyền thống hiếu học, làm quan của ngôi làng trí thức nổi danh đất Kinh kỳ.
Mỗi năm cứ đến ngày mất Phan Phu Tiên, con cháu lại tề tựu tại nhà thờ để tri ân, tưởng nhớ ông. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng
Ngoài ra, danh nhân Phan Phu Tiên còn là người rước chân nhang của đệ nhất Thành Hoàng làng về dân làng tôn lập. Các cụ cao niên trong làng kể lại, khi ấy làng Đông Ngạc chỉ có những ngôi miếu nhỏ thờ thần Thổ Địa, sau khi Phan Phu Tiên tự tay rước chân nhang về thì người dân mới bắt đầu lập đình, thờ các vị Thành Hoàng.
Nhà thờ cổ giữa lòng Hà Nội
Là một vị tiến sĩ có công với xã tắc nên vì vậy, con cháu của danh nhân Phan Phu Tiên sau này cũng thừa hưởng sự tài trí, đức độ hơn người của ông và dòng họ phát triển ngày càng lớn mạnh.
Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), đại diện các chi nhà họ Phan quyết định cùng nhau họp lại, lấy tên 7 ngôi sao Lâm, Khuê, Cơ, Vị, Ðẩu, Chương, Bích làm tên đại diện 7 chi, chọn ngày 13 tháng giêng âm lịch hàng năm làm ngày thờ cúng cụ Phan Thu Tiên.
Bàn thờ chính được đặt trang nghiêm ngay giữa nhà thờ, mỗi ngày đều có con cháu đến quét dọn, dâng hương. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Có dịp ghé thăm nhà thờ Đại tôn chi Đẩu trong một con ngõ nhỏ tại xóm 4A, phường Đông Ngạc, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước vẻ bề thế, khang trang của nơi thờ chính vị lưỡng triều tiến sĩ Phan Phu Tiên nổi danh một thời.
Theo ông Phan Quốc Bảo (63 tuổi), tộc trưởng họ Phan Đẩu chi, phần nhà thờ bên trong được xây từ khoảng 1731-1732, nghĩa là đã có niên đại gần 400 năm. Phần hậu cung tuy mới được khang trang lại nhưng cũng đã khoảng 200 năm tuổi. Bên trên xà nóc hiện còn lưu lại năm làm nhà thờ.
Nhà thờ chính được xây theo lối kiến trúc 3 gian hai dĩ, mái cong, ngói mũi hài, mang đậm nét văn hoá đặc trưng của vùng Bắc Bộ. Nhà thờ có hai bức hoành phi bề thế là "Phan tộc đại từ đường" ở chính giữa hậu cung và bức "Khai tất tiên" ở nhà thờ phía trong, tri ân vị khai khoa tiến sĩ đầu tiên của làng Đông Ngạc.
Những đồ vật được trưng bày trong nhà thờ đều có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Nơi đây còn lưu lại có đôi câu đối: "Lưỡng chúng đăng long Đông Ngạc khai khoa dương trí tuệ/ Tạm biên chứ tác thủy tổ Phan gia quốc hoàng ân", có nghĩa là "Hai lần đỗ tiến sĩ khai khoa cho làng Đông Ngạc/ Ba lần viết tác phẩm để lại cho đời thủy tổ họ Phan đất nước biết tên".
"Quá trình tôn tạo, sửa sang đều là do con cháu đóng góp hết. Dòng họ Phan có 40 nhà thờ, mỗi chi có thể có 5,6 nhà thờ, riêng chi Đẩu có 6 nhà thờ. Hầu như đồ thờ cúng được sử dụng tại đây đều có niên đại rất lớn, ít thì 70 đến 80 năm, cổ nhất có thể lên tới hàng trăm năm", ông Bảo tự hào chia sẻ.
Ngoài ra, nơi đây còn phụ thờ ba cán bộ cách mạng hoạt động tại Pháp đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Trường và ông Phan Châu Trinh.
Trước nhà thờ có một khoảng sân rộng rãi, tuy được phủ đầy sắc xanh của cây lá nhưng không hề làm mất đi dáng vẻ trang nghiêm, thanh tịnh của một chốn thờ tự.
Đặc biệt, trong sân cũng trang trọng đặt một bức tượng của Phan Phu Tiên cùng hai văn bia ghi rõ công lao cùng những hậu duệ khoa bảng của ông. Tuy không bề thế như nhà thờ chính nhưng xung quanh vẫn được ốp ngói gạch, lát nền vô cùng tiện nghi, thể hiện sự tỉ mỉ, trân trọng của con cháu họ Phan đối với ông.
Phương Linh-Nguyễn Tùng - Danviet